Nếu áp dụng các quy định như trong dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2020 thì hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phải đóng cửa, di dời hoặc tốn rất nhiều chi phí.

Hàng loạt nhà máy sẽ phải di dời vì quy định mới - Ảnh 1.

Đó là phản ảnh của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội, ngành hàng trong và ngoài nước về những quy định chi tiết của Luật bảo vệ môi trường. Một số hiệp hội phản ảnh dù Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT) vừa ra thông cáo đã tiếp thu và sửa đổi nhưng nhiều điểm quan trọng bộ này không tiếp thu hoặc chỉ tiếp thu một phần.

Cắt giảm thủ tục không thực chất

Theo ông Nguyễn Hoài Nam – phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ TN-MT nói rằng dự thảo mới đã tiếp thu nhiều ý kiến… theo hướng đơn giản hóa nhiều quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp giấy phép môi trường. Nhưng thực tế hồ sơ và thủ tục xin cấp giấy phép môi trường rất phức tạp, trùng lặp, không rõ thời gian thực hiện.

Cụ thể, các doanh nghiệp chỉ ra rằng mặc dù hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường trong dự thảo này đã cắt giảm hơn so với dự thảo trước (8 mục so với 15 mục), nhưng trong 8 mục vẫn còn 5 mục chồng chéo với hồ sơ xin duyệt đánh giá tác động môi trường, tức là doanh nghiệp vẫn phải nộp 5 mục hồ sơ 2 lần.

Quy trình cấp phép trùng lặp, không rõ ràng với 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa (khi thực hiện đánh giá tác động môi trường và khi cấp giấy phép môi trường).

Ông Nam cho hay Bộ TN-MT giải thích doanh nghiệp không phải trải qua 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa khi thẩm định đánh giá tác động môi trường và khi thẩm định cấp giấy phép môi trường, vì chỉ phải làm 2 lần “khi cần thiết”. Nhưng “trường hợp cần thiết” là trường hợp nào? Không làm rõ sẽ tạo kẽ hở cho tiêu cực, doanh nghiệp nào có “bôi trơn” dễ được miễn kiểm tra, doanh nghiệp không “bôi trơn” dễ bị kiểm tra.

Hơn nữa, việc tiền kiểm như lập đoàn kiểm tra khi dự án còn chưa vận hành thử nghiệm mà không hậu kiểm thì không thể phát hiện được các vi phạm (như Formosa trước đây), trong khi những quy định này làm tăng thêm giấy phép và giấy phép con.

Trước đây dự án phải làm đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chỉ cần xin duyệt ĐTM, không cần xin giấy phép môi trường. Bây giờ thì dự án đã được duyệt ĐTM vẫn phải xin giấy phép môi trường, mà hồ sơ xin giấy phép môi trường lại nhiều phần trùng lặp với hồ sơ ĐTM.

“Bộ TN-MT không nên so với dự thảo cũ mà nên xem hồ sơ có bị trùng, thủ tục xét duyệt có hợp lý hay không mới đúng với tinh thần cải cách hành chính. Không lẽ dự thảo đầu tiên có 8 điểm dở, dự thảo cuối còn 5 điểm dở thì được coi là cải cách?”, ông Nam thắc mắc.

Nguy cơ đóng cửa và di dời nhà máy hàng loạt

Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2020 còn có nhiều quy định ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, điều 39 của dự thảo quy định phải “dán nhãn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy”. Bà Đỗ Thị Thúy Hương – ủy viên ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam – cho rằng quy định này không chỉ gây tốn kém khi phải thay đổi toàn bộ nhãn sản phẩm, mà còn trái thông lệ quốc tế.

Quy định này cũng không phù hợp với nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, trong đó không bắt buộc ghi các thông tin này. Quy định này cũng trái với các hiệp định tự do thương mại như EVFTA quy định không được dùng nhãn hàng hóa làm rào cản thương mại.

Điều 52 về khoảng cách an toàn về môi trường với khu dân cư dự thảo cũng không có phân biệt giữa doanh nghiệp cũ và mới. Từng xảy ra nhiều trường hợp dự án đảm bảo khoảng cách với khu dân cư nhưng sau thời gian đi vào hoạt động thì dân chuyển đến xây nhà bên cạnh. Khi đó nguy cơ doanh nghiệp phải dọn đi nơi khác…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : di dời nhà máydoanh nghiệpLuật Bảo vệ môi trườngô nhiễm môi trường

Các tin liên quan đến bài viết