Được giao đất rừng để quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ nhưng nhiều hộ dân ở xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo xã này, lại phát đất rừng để trồng cây keo lai.
Ông Lương Văn Thành, chủ tịch UBND xã Nam Sơn, vừa xác nhận vụ việc này với Tuổi Trẻ Online sáng nay 24-9. Trong số các cán bộ xã có hành vi phát trắng rừng được giao theo Nghị định 163 của Chính phủ để trồng keo, có bí thư Đảng ủy xã, phó chủ tịch xã, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, chủ tịch Hội Phụ nữ, chủ tịch Hội Nông dân, trưởng công an xã Nam Sơn.
Theo hồ sơ vụ việc, từ năm 2010 đến 2016, trên địa bàn xã Nam Sơn có 13 hộ đã chuyển nhượng bất hợp pháp hơn 63ha đất rừng tự nhiên được giao quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh theo Nghị định 163 của Chính phủ.
Diện tích đất rừng sau khi được chuyển nhượng đã bị một số người dân đốn hạ, phát trắng để trồng mới cây keo lai.
Đến đầu tháng 3-2017, việc phá rừng trên được người dân phát hiện và báo cho các cơ quan chức năng.
Sau khi điều tra, tháng 8-2017, công an huyện Quỳ Hợp đã khởi tố vụ án về hành vi hủy hoại rừng và đang tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để khởi tố bị can.
Ông Lương Văn Thành cho hay diện tích đất rừng trên được giao cho các hộ dân quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ theo Nghị định 163 vào năm 2005.
“Thời điểm giao đất rừng chúng tôi đã tuyên truyền, buộc các hộ dân nhận đất rừng ký cam kết không tự ý chặt phá rừng. Nhưng do thời gian qua họ không nhận được tiền hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ nên đã tự ý phát trắng rừng để trồng cây keo lai”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, xã Nam Sơn là xã vùng 135, diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm hơn 1%, người dân chủ yếu sống dựa vào rừng khi nên việc các hộ dân phát rừng trồng keo là với “mục đích phát triển kinh tế”.
Các hộ dân trực tiếp nhận diện tích đất rừng theo Nghị định 163 để bảo vệ cũng cho rằng việc khai thác, trồng mới cây keo nguyên liệu là quyền của họ.
Tuy vậy, ông Nguyễn Đình Tùng, chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, nhấn mạnh: “Đất ở đây được giao cho dân theo Nghị định 163 và rừng ở đây là rừng khoanh nuôi tái sinh, trong đó có một số diện tích thuộc nhóm 2B, nghĩa là đã có trữ lượng gỗ, nên giao cho dân là để quản lý, bảo vệ, không được khai thác.
Nếu sau này đến thời kỳ tận dụng khai thác phải xin chủ trương của cấp có thẩm quyền, hơn nữa phải thiết kế và được phê duyệt mới được khai thác”.
Do đó, ông Tùng khẳng định quan điểm của huyện là yêu cầu cơ quan điều tra thu thập chứng cứ, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm để làm gương, không bao che cán bộ.
Nguồn: Tuổi trẻ