Doanh số bán hàng giảm, sản xuất đóng băng, nguồn cung cạn kiệt là những gì mà các hãng xe đang phải trải qua. Lúc này cần có sự nhập cuộc của chính phủ các nước để làm “đòn bẩy” cho sự vực dậy của nền công nghiệp ô tô.
Bức tranh hỗn loạn của nền công nghiệp ô tô toàn cầu thời Covid-19
Cơn bão mang tên Covid-19 đang càn quét trên mọi mặt trận của nền kinh tế toàn cầu, trong đó không thể không nhắc đến nền công nghiệp ô tô.
Sau khi Trung Quốc tạm vượt qua được thời kì đỉnh dịch, thì giờ đây châu Âu đang trở nên “toang” hơn bao giờ hết. Điều này khiến 95% các nhà máy sản xuất ô tô buộc phải tạm ngừng sản xuất tại thị trường này trong khi nguồn cung ứng và nhu cầu đang ngày càng trở nên cạn kiệt.
Ba ông lớn của ngành công nghiệp ô tô Mỹ là GM, Fiat Chrysler và Ford đều đã đưa ra thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất tại toàn khu vực Bắc Mỹ ít nhất là cho đến cuối tháng này. Hãng xe Nhật Bản Nissan cũng buộc phải tạm thời đóng cửa nhà máy lớn nhất của mình ở châu Âu cùng các nhà máy khác ở Tây Ban Nha và Indonesia. BMW, Volkswagen, Ferrari hay VW cũng có động thái tương tự khi đình chỉ sản xuất tại thị trường châu Âu để tránh những tác động của Covid-19.
Nền công nghiệp ô tô “bầm dập” do dịch Covid-19 |
Chưa dừng lại ở đó, nhiều hãng xe như Hyundai, Toyota, Ford hay BMW còn rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn khi một số nhân viên của họ được xác định dương tính với virus corona khiến nhiều hoạt động của các hãng bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo dự đoán doanh số bán xe tại Mỹ trong tháng 3 này sẽ giảm tới 40% so với cùng kì năm 2019.
Các hãng xe tự cứu mình và sự nhập cuộc của chính phủ
Đứng trước sự tụt dốc về doanh số, nhiều hãng xe đã và đang tung ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng, trong đó phải kể đến các gói hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp lãi suất 0%. Đơn cử như GM với chương trình mua xe trả góp 0% lãi suất trong vòng 7 năm, Hyundai với gói trợ giá người thất nghiệp do Covid-19 hay Ford cùng các khoản thanh toán trả chậm cho khách hàng mua xe.
Hàng loạt chương trình ưu đãi được các hãng xe tung ra để “câu khách”. |
Trong khi đó, chính phủ các nước cũng đau đầu không kém để tìm cách “chữa lành” cho nền công nghiệp ô tô. Đầu tiên phải kể đến Trung Quốc – nơi bùng phát và lây lan virus corona, chính quyền thành phố Quảng Châu đã đưa ra một kế hoạch trợ cấp nhằm kích cầu nhu cầu mua xe trong nước. Thành phố Phật Sơn – thủ phủ của Volkswagen cũng có động thái tương tự khi tuyên bố hỗ trợ tiền cho khách hàng mua xe mới và những người muốn đổi xe. Đồng thời chính quyền thành phố còn cung cấp thêm các khoản trợ cấp nhằm bù đắp chi phí tiếp thị của các công ty ô tô trong giai đoạn này.
Kịch bản tương tự cũng xảy ra đối với Hàn Quốc khi chính phủ nước này quyết định trích một phần trong gói viện trợ 50 nghìn tỉ won (tương đương với 39 tỷ USD) để “bơm máu” cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà. Ngoài ra, các hoạt động thông quan, vận chuyển hàng hóa sẽ được đẩy nhanh tốc độ, nhằm hỗ trợ thêm cho sự phục hồi của nền công nghiệp ô tô.
Trung Quốc và Hàn Quốc đều có những gói trợ cấp để “bơm máu” cho các hãng xe. |
Tại Anh, ngành công nghiệp ô tô đang lên tiếng yêu cầu chính phủ nước này đưa ra các chính sách mới nhằm thúc đẩy thị trường và đảm bảo đạt được thỏa thuận thương mại tự do với EU với hi vọng những đổi mới này sẽ phần nào giúp các nhà sản xuất ô tô nước này hồi phục sau cơn ác mộng Covid-19.
Bên cạnh đó, Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị và động cơ Mỹ (MEMA) đề nghị Nhà Trắng cứu trợ khẩn cấp và cung cấp chính sách miễn giảm thuế nhằm giúp họ chống chọi lại tác động kinh tế bất lợi do đại dịch corona gây ra. MEMA cũng đưa ra cảnh báo nếu không hành động ngay, các công ty và nhà sản xuất trong ngành công nghiệp ô tô có thể sẽ “khánh kiệt” và thậm chí hàng chục nghìn công nhân buộc phải nghỉ việc.
Ngoài ra MEMA còn kêu gọi Quốc hội nước này giảm thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc (trong đó có thiết bị và phụ tùng ô tô) và thép nhập khẩu nhằm giảm gánh nặng chi phí đối với các công ty. Cùng với đó, nhóm gồm các hãng xe lớn GM, Volkswagen và Toyota cũng đã nộp đơn kiến nghị Quốc hội Mỹ cung cấp thêm các khoản vay và bảo lãnh cho các công ty trong ngành công nghiệp ô tô.
Các hãng xe châu Âu đang loay hoay xin trợ cấp từ phía chính phủ. |
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Michele Crisci, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ý cho biết Liên minh châu Âu EU nên cân nhắc và xem xét lại việc thực hiện các mục tiêu phát thải đã được đề ra trước đó.
Theo ông, điều chúng ta nên làm bây giờ là chuyển mục tiêu phát thải CO2 của năm nay sang năm 2021. Bởi lẽ rõ ràng với sức tàn phá khốc liệt của virus corona, năm 2020 quả thực là một năm vô cùng khó khăn và phức tạp đối với các nhà sản xuất ô tô. Việc áp dụng mức tiền phạt lớn với một ngành công nghiệp vốn đã chịu nhiều thương tổn sẽ chẳng mang lại gì ngoài tạo thêm áp lực về chi phí và lợi nhuận đối với các nhà sản xuất xe.”
Nguồn: vietnamnet