Hàng loạt tuyến cao tốc chưa bố trí làn dừng khẩn cấp đã bộc lộ bất cập trong quá trình khai thác. Mỗi khi có xe gặp sự cố, nguy cơ cao xảy ra ùn tắc, mất an toàn giao thông.

Một số tuyến đường bộ cao tốc trên phạm vi cả nước đã đưa vào khai thác, sắp hoàn thành xây dựng hoặc đang thi công, có đoạn chỉ 2 làn xe chạy mỗi chiều, tốc độ khai thác tối đa 80km/h.

Ngoài đoạn Yên Bái – Lào Cai (tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai) chỉ có 2 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp (không có dải phân cách cứng ở giữa), các đoạn Cao Bồ – Mai Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận, Cam Lộ – La Sơn mỗi chiều đường có 2 làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp kéo dài toàn tuyến, chỉ thiết kế điểm dừng khẩn cấp, điểm vượt xe.

Tương tự, các đoạn cao tốc Bắc – Nam khác khi đưa vào sử dụng, như Mai Sơn – QL45, QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Nha Trang – Cam Lâm, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây… cũng được thiết kế không có làn dừng khẩn cấp.

Anh Cao Văn Quang (ở Hà Nội), người thường xuyên đi lại trên cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn (Nam Định – Ninh Bình) cho biết, khi tuyến đường dài hơn 15km nối với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đưa vào khai thác, việc đi lại có thuận tiện hơn, tuy nhiên cũng bộc lộ những bất cập.

Do không có làn dừng khẩn cấp nên khi xe phía trước gặp sự cố là dòng phương tiện phía sau phải dừng lại, gây ùn tắc. Đó là chưa kể khi lưu thông với tốc độ cao, xe phía sau rất dễ xảy ra va chạm với xe phía trước.

Cao tốc Cao bồ – Mai Sơn chưa có làn dừng khẩn cấp, chỉ có điểm dừng khẩn cấp. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thông thường, đường cao tốc cần có 2 làn dừng khẩn cấp để khi xe xảy ra sự cố có thể dừng lại, dòng phương tiện lưu thông phía sau vẫn đi lại an toàn, không bị ùn tắc.

“Với cao tốc không có làn dừng khẩn cấp, khi xe xảy ra sự cố trên đường rất dễ gây ùn tắc và mất an toàn. Dù trên tuyến cao tốc có bố trí điểm dừng khẩn cấp nhưng không phải lúc nào xe gặp sự cố cũng có thể di chuyển về điểm dừng an toàn…”, ông Thanh nói.

Vốn ít nên phải phân kỳ đầu tư

Đại diện Bộ GTVT cho biết, các tuyến cao tốc mới đưa vào sử dụng gần đây hoặc đang thi công, đặc biệt là cao tốc Bắc – Nam, đều được thiết kế và thi công theo giai đoạn phân kỳ đầu tư. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, các tuyến này đều không có làn dừng khẩn cấp chạy dọc toàn tuyến, chỉ có những điểm dừng khẩn cấp.

Theo Bộ GTVT, đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc. Để đạt mục tiêu này, cần nguồn vốn khoảng 813.000 tỷ đồng. Thế nhưng, thực tế đến năm 2020 mới bố trí được 395.000 đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 bố trí được thêm khoảng 370 nghìn tỷ đồng.

Do nguồn lực ngân sách còn hạn chế, để đầu tư đạt mục tiêu về làm đường cao tốc, phù hợp với lưu lượng phương tiện của người dân ở từng vùng các dự án làm đường cao tốc cơ bản được phân kỳ đầu tư.

Cao tốc không có làn dừng khẩn cấp, khi xe gặp sự cố trên đường dễ gây ùn tắc, mất an toàn giao thông. 

Sau này, nguồn lực tốt hơn, nhu cầu người dân tăng lên, sẽ tiến hành đầu tư mở rộng, hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch.

Với giai đoạn phân kỳ làm các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đầu tư làm đường quy mô 2-4 làn xe theo dự báo nhu cầu của từng đoạn tuyến qua các địa phương khác nhau.

Kết hợp với phương án khai thác, tổ chức giao thông điều hành giao thông thông minh để đảm bảo yêu cầu khai thác an toàn.

Dù quy mô chỉ 2 hoặc 4 làn xe chạy, không có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến, nhưng các cao tốc đều có dải phân cách giữa, không giao nhau đồng mức với đường khác, có các vị trí dừng khẩn cấp, vị trí vượt xe nên đảm bảo điều kiện an toàn.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : cao tốccao tốc Bắc - Namtại nạn giao thông

Các tin liên quan đến bài viết