Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản khi tiếp tục thua lỗ nặng nề. Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways thì cạn dần nguồn lực về tài chính – Bộ KH-ĐT nhận định.

Cạn tiền, mất khả năng thanh toán

Góp ý dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng, dịch Covid-19 khiến thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất. Nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh đến 34,5-65,9% so với năm 2019. Doanh thu từ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với năm 2019.

Nguy hiểm hơn, đợt dịch Covid-19 lần thứ ba trong giai đoạn cao điểm sát Tết Nguyên đán 2021 khiến doanh thu hàng không giảm 80% so với cùng kỳ. Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Bộ KH-ĐT nhận định, với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, tâm lý khách hàng thay đổi, dự báo hoạt động hàng không năm 2021 vẫn hết sức khó khăn và hy vọng đến 2024 mới phục hồi trở lại như trước khi chưa có dịch.

Hàng không Việt trước nguy cơ phá sản, bị kiện vì nợ đầm đìa
Vietnam Airlines Group và các hãng hàng không nội địa đang hết dần dòng tiền

Việc thông tin chưa chính xác về thời điểm dịch bùng phát trở lại cũng khiến khách hàng ồ ạt hủy vé, gây thiệt hại lớn cho hàng không, khiến các DN càng khó khăn về dòng tiền.

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ quý II/2021 dự kiến là 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lỗ tới 10.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, số nợ phải trả quá hạn của hãng lên tới 6.240 tỷ đồng. Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, đứng bên bờ vực phá sản, theo Bộ KH-ĐT. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho hãng giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn tín dụng. Vì thế, hãng này đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá cao và rủi ro trong việc không cân đối các khoản nợ vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.

Đối với hàng không tư nhân như Vietjet Air hay Bamboo Airways, Bộ KH-ĐT đánh giá năm 2020 các hãng đã tối ưu hóa các mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và các dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước.

Theo nhiên, theo Bộ này, dự báo các hãng bay tư nhân sẽ hoạt động khó khăn trong năm 2021 và đang cạn dần nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho hoạt động vận tải hàng không. Con số thiếu hụt ước tính lên tới hàng chục nghìn tỷ.

Cần bơm gấp tín dụng

Nhận định và dự báo trên của Bộ KH-ĐT không phải là không có cơ sở. Trên thực tế, giải trình với cổ đông về tình hình kinh doanh quý I/2021, Vietnam Airlines cho hay đại dịch Covid-19 khiến tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ giảm 65,3% so với cùng kỳ 2020 (hơn 9.558 tỷ đồng) trong đó chủ yếu là doanh thu cung cấp dịch vụ giảm mạnh 63,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 8.511 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu nội địa của Vietnam Airlines giảm 25,8%, quốc tế giảm tới 97% và thuê chuyến giảm 83,5%. Tuy nhiên, do tốc độ giảm doanh thu cao hơn tốc độ giảm chi phí dẫn dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm trên 2.793 tỷ đồng.

Đầu tháng 4/2021, cổ phiếu của hãng (HVN) đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4.

Hàng không Việt trước nguy cơ phá sản, bị kiện vì nợ đầm đìa
Vắng khách, tàu bay các hãng nằm chờ la liệt tại sân bay

Không có khách, hàng trăm tàu bay của các hãng hàng không phải nằm chờ la liệt. Số liệu từ Planespotters cho hay, tỷ lệ máy bay phải tạm dừng khai thác của cả 4 hãng hàng không lớn là 127 chiếc trong tổng số 218 chiếc.

Chính vì vậy, tại dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ KH-ĐT kiến nghị, về tổng thể chung, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sửa đổi ban hành Thông tư cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ đến hết 31/12/2021. Chỉ đạo các ngân hàng áp dụng hệ thống giả pháp về vốn cho DN, như giảm 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để DN bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 84 ngày 29/5/2020 theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp không chỉ các DN nhỏ và vừa mà thêm cả các DN trong các ngành bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, khách sạn, vận tải.

Quan trọng hơn cả, Bộ KH-ĐT đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế hỗ trợ lãi suất 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 để giúp các hãng hàng không tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực và phát triển, tương tự như gói hỗ trợ cho Vietnam Airlines.

Ngoài ra, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ và UB Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 1148 ngày 21/12/2020 về việc tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít cho đến hết 31/12/2021theo hướng áp mức 1.000 đồng/lít.

Đồng thời, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cần sửa đổi quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 không bị cắt margin (giao dịch ký quỹ) khi lợi nhuận âm hai quý liên tục.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : COVID-19Hàng Không Phá SảnHàng Không Thua LỗHàng Không Việt

Các tin liên quan đến bài viết