Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục hàng không lên phương án cấm bay trong vùng ảnh hưởng và điều chỉnh các chuyến bay từ Bình Định đến Khánh Hòa khi bão số 12 đổ bộ. Đường sắt cũng có phương án dừng chạy tàu.
Sáng 9-11, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với bão số 12.
Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, đến 8h sáng 9-11, có 1.034 tàu thuyền đang hoạt động trong vùng chịu ảnh hưởng của bão. Hiện trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải đang tiếp tục rà soát và lên các phương án đưa tàu thuyền vào neo đậu trước khi bão đổ bộ.
“Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục đường bộ rà soát các tuyến đường, khu vực có nguy cơ sạt lở để cảnh báo và sẵn sàng lực lượng, phương tiện khi có sự cố xảy ra.
Cục hàng không có phương án khi bão đổ bộ ảnh hưởng đến vùng bay thì cấm bay, điều chỉnh các chuyến bay từ Bình Định đến Khánh Hòa. Đường sắt cũng có phương án dừng tàu khi bão vào” – đại diện Bộ Giao thông vận tải nói.
Theo thượng tá Nguyễn Đình Hưng, phó trưởng phòng Phòng cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tham mưu – Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng), đến 6h ngày 9-11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.752 phương tiện/289.004 người biết diễn biến của bão để di chuyển tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Hiện còn 4 phương tiện/29 người (Bình Định) đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão, các tàu đã biết diễn biến của bão, đang di chuyển phòng tránh và khả năng đến trưa nay sẽ thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Tỉnh Khánh Hòa dự kiến cấm biển 18h ngày 9-11, các tỉnh khác đang xem xét thời gian cấm biển tùy theo diễn biến của bão.
“Đề nghị Tổng cục thủy sản phối hợp, chia sẻ hệ thống giám sát tàu cá trên biển để Bộ đội biên phòng có cơ sở để đôn đốc các đơn vị, địa phương nhắc nhở, kêu gọi tàu thuyền vào bờ” – ông Hưng nói
Trên đất liền, 5 tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận lên kế hoạch di dân với kịch bản bão cấp 8-11, khoảng 103.644 hộ/403.426 người (Bình Định 15.761/64.530; Phú Yên 30.162/107.371; Khánh Hòa 37.837/151.349; Ninh Thuận 9.529/38.116; Bình Thuận 10.355/42.060). Các tỉnh đang tiếp tục rà soát cho phù hợp với diễn biến của bão. Hiện nay, các tỉnh chưa có kế hoạch cho học sinh nghỉ học.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, phó trưởng ban – Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai – đặc biệt lưu ý cần phải đảm bảo an toàn cho tất cả các tàu thuyền, bao gồm cả tàu khai thác thủy hải sản và các tàu vận tải.
“Khu vực ven biển của các tỉnh dự báo bão số 12 sẽ vào có hoạt động kinh tế biển rất sôi động, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản rất lớn, do đó, các địa phương cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho bà con”, ông Hoài lưu ý.
Ông Hoài cũng nhắc các đơn vị cần lưu ý tới vấn đề an toàn trên các tuyến đảo, cần đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Đối với tuyến đất liền, theo ông Hoài, nhiều tỉnh miền Trung vừa qua chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa bão, nhiều nhà dân bị hư hỏng chưa kịp sửa chữa. Do đó, các địa phương cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân khi bão số 12 đổ bộ.
Nguồn: tuoitre.vn