Đa phần lỗi nộp học phí muộn thường do sinh viên nghĩ đăng ký môn học là xong. Nhiều em có tiền đóng nhưng bị “lạm” mất phần học phí do đăng ký quá nhiều môn học.
Trường ĐH Luật TP.HCM vừa công bố danh sách sinh viên các lớp chính khoá 44, 45, 46, 47 đóng học phí. Có rất nhiều sinh viên nợ học phí, người nợ cao nhất hơn 24 triệu đồng, thấp nhất hơn 4 triệu. Rất nhiều sinh viên nợ 15-16 triệu đồng.
Nhà trường khuyến cáo, sinh viên phải đóng học phí học kỳ 1 năm học này và các học kỳ còn nợ tối thiểu trước 2 tuần kể từ môn thi đầu tiên theo kế hoạch chung của trường (không áp dụng đối với lịch thi của môn Tin học, Thể dục) thì mới được dự thi. Sinh viên đóng học phí quá hạn sẽ không có tên trong danh sách dự thi và không được thi các học phần trong học kỳ này.
Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng vừa quyết định gia hạn học phí kỳ 1 cho 104 sinh viên các khoa Y, Dược, Răng – Hàm – Mặt, Y tế công cộng, Y học cổ truyền, Điều dưỡng đến ngày 31/12.
Động thái này nhằm hỗ trợ sinh viên khó khăn khi gia đình chưa chuẩn bị đủ học phí, hộ cận nghèo…Tuy nhiên, nếu quá thời hạn trên sinh viên không hoàn thành nghĩa vụ đóng học phí sẽ bị khóa tài khoản theo quy định.
Sinh viên phải đóng học phí ngay khi đăng ký môn học thành công và ra thời khóa biểu.
Cuối tháng 10 vừa qua, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng công bố danh sách sinh viên dự kiến không có lịch thi đợt 1 học kỳ 1 vì chưa hoàn thành nghĩa vụ học phí. Có hơn 18.000 sinh viên rơi vào tình trạng này.
Tương tự, tại Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn (ĐH Đà Nẵng), có hơn 370 sinh viên nợ học phí học kỳ 1. Nhà trường yêu cầu sinh viên phải nộp trong thời gian quy định. Sau thời gian trên, sinh viên chưa nộp học phí sẽ không có tên trong danh sách thi học kỳ.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã hủy kết quả học tập học kỳ 1 với các sinh viên chậm đóng học phí năm học 2019-2020. Nhà trường thực hiện biện pháp mạnh này do trước đó đã nhiều lần thông báo về việc đăng ký học phần kết hợp nộp học phí. Tuy nhiên, nhiều sinh viên không tuân thủ quy định của trường.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm, cho hay, theo quy định, sinh viên muốn tiếp tục học thì phải trả học phí ngay khi đăng ký môn học thành công và ra thời khóa biểu.
Đa phần lỗi nộp học phí muộn thường xuất phát từ việc các em nghĩ rằng đăng ký môn học xong là xong. Nhiều em có tiền đóng nhưng lại bị “lạm” mất phần học phí do đăng ký quá nhiều môn học, tất nhiên không loại trừ sinh viên khó khăn.
Trước tình trạng hàng ngàn sinh viên nợ học phí cuối năm, ông Sơn đưa ra lời khuyên: “Hiện nay, các trường đại học đều dạy theo tín chỉ. Sinh viên nên cân đối học phí trước khi đăng ký môn học. Nếu kinh phí có hạn thì đăng ký vừa đủ môn, đỡ áp lực học hành và cũng đủ học phí đóng cho nhà trường. Nếu vì lý do khách quan không thể đóng học phí, có thể làm đơn xin gia hạn thêm thời gian.
Thời gian gia hạn phải phù hợp với điều kiện của nhà trường và được nhà trường cho phép. Nếu gia hạn vượt quá mức quy định mà vẫn chưa đóng học phí, ngay lập tức nhà trường sẽ hủy môn học và sinh viên phải học từ đầu”.
Nguồn: vietnamnet