Sau bài “Khách hủy chuyến bay, hãng bay ẵm luôn tiền phí cảng, chỉ mình Vietravel Airlines trả lại” (Tuổi Trẻ ngày 11-5), Cục Hàng không yêu cầu các hãng trả lại. Nhưng điều này đặt ra rất nhiều vấn đề khác.
Nhiều hành khách phải tự quen với thực tế rằng khi hủy bay, với những vé rẻ sẽ mất 100% số tiền vé (gồm các khoản phí) đã mua.
Trả cũng như không?
Tuy nhiên, sau 2 bài viết phản ánh của Tuổi Trẻ về khoản phí sân bay cần được trả lại cho khách hàng, Bộ GTVT vào cuộc, Cục Hàng không Việt Nam đã “lệnh” các hãng bay phải hoàn trả số tiền thu hộ, đó là phí dịch vụ cảng, phí soi chiếu an ninh với khách đã mua vé nhưng không thực hiện chuyến bay.
Lúc này, nhiều người vỡ lẽ ra rằng có những khoản phí khi hủy vé họ đáng ra đương nhiên được hoàn trả nhưng bấy lâu nay hãng bay cố tình lờ đi.
Theo quy định tại thông tư số 53/2019/TT-BGTVT, phí soi chiếu an ninh tại sân bay là 18.181 đồng/hành khách. Phí phục vụ hành khách tại sân bay chia theo 3 nhóm sân bay với các mức 60.000 – 80.000 – 100.000 đồng/khách. Hãng thu hộ cho sân bay, bằng cách gộp vào giá vé (hãng hưởng 1,5% công thu hộ).
Tuy nhiên, với khoản phí cần trả lại cho khách mà Cục Hàng không đã chỉ đạo, các hãng hàng không đã lách bằng cách đặt ra mức phí hoàn quá cao, ngăn người dân thực hiện đòi lệ phí sân bay và an ninh soi chiếu.
Bamboo Airways – với chặng bay xuất phát từ 12 sân bay như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ… – sẽ phụ thu với mức 100.000 đồng/chặng (chưa bao gồm VAT). Với các chặng bay còn lại sẽ áp phụ thu 50.000 đồng/chặng.
Như vậy, với chặng bay từ TP.HCM – Hà Nội, phí dịch vụ cảng và soi chiếu an ninh là 120.000 đồng/khách, khách đòi tiền sẽ phải chịu khoản phí lên đến 110.000 đồng. Như vậy, nếu khách đòi tiền phí cảng và an ninh mà hãng bay thu hộ, sau khi trừ chi phí khách chỉ còn 10.000 đồng!
Chính sách này trên fanpage chính thức của hãng chỉ được vài phút rồi nhanh chóng gỡ bỏ sau khi nhận “cơn mưa” phản ứng của khách hàng vì hãng “chơi chiêu”.
Vietravel Airlines thoạt nhìn sẽ là hãng bay đi đầu trong việc hoàn phí nhưng cũng đặt mức phí phụ thu tới 100.000 đồng/khách.
Câu hỏi đặt ra là chi phí các hãng phải bỏ ra có cao đến vậy chỉ với việc trả lại tiền đã thu hộ của khách? Hay đây chỉ là cách để khách hàng nản trong việc đòi lại tiền của chính mình, vì số tiền nhận lại quá ít?
Trong khi đó, Vietnam Airlines, Vietjet và Pacific Airlines vẫn chưa đưa ra chính sách hoàn lệ phí sân bay.
Tưởng quyết liệt, nào ngờ…
Việc các hãng lờ việc trả phí, cơ quan quản lý của ngành là Bộ GTVT, Cục Hàng không không thể không biết nhưng đã im lặng trong suốt thời gian qua. Đến khi báo chí phản ánh, dư luận bức xúc mới vào cuộc, yêu cầu các hãng trả lại.
Cục Hàng không đã để mặc khách hàng tự “bơi” trong việc bảo vệ quyền lợi của họ. Chỉ đạo “nóng” nhưng chưa cụ thể của Cục Hàng không dường như chỉ muốn trấn an dư luận?
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng có thể số tiền 100.000 – 120.000 đồng phí sân bay chẳng bõ bèn gì, nhưng tính từ trước tới nay, số tiền mà hãng bay lạm thu khoản tiền trên có thể là con số khủng. Ngay lúc này, cơ quan chức năng phải nhanh chóng nhập cuộc, thống kê và truy hoàn lại số tiền cho khách từ vài năm gần đây.
Hãng có thể đưa ra mức phí xử lý tiền hoàn từ 10.000 – 20.000 đồng để bù đắp chi phí thay vì nâng tới 100.000 đồng, có như vậy mới minh bạch và sòng phẳng với “thượng đế” của mình.
Nhiều hãng bay nước ngoài như Air Asia, Ryanair… đều có form cho khách kiến nghị hoàn thuế (refund tax) ngay trên website khi bỏ vé. Các hãng bay trong nước nên làm điều này thay vì đặt ra điều kiện phải đến trực tiếp đại lý, nhiêu khê các thủ tục để hoàn tiền.
Về lâu dài, Cục Hàng không cũng nên có những quy định chi tiết về việc hoàn phí sân bay để khách hàng tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Nguồn: tuoitre.vn