Những ý kiến về việc triển khai trở lại vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc nhằm tăng sức mạnh răn đe đã không được chấp thuận.
Sau những vụ thử hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng về cấp độ và số lượng, đã có không ít ý kiến đòi hỏi phải tăng sức mạnh quân sự cho Hàn Quốc, trong đó có vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, ngày 17-9, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin một nhóm nghị sĩ thuộc phe đối lập ở Hàn Quốc đã thừa nhận Washington không chấp nhận đề nghị của nhóm này về việc tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Bán đảo Triều Tiên.
Trở về Hàn Quốc ngày 16-9 sau chuyến đi kéo dài 4 ngày tới Mỹ, các nghị sĩ thuộc Đảng Hàn Quốc Tự do đối lập đã ra thông cáo báo chí cho biết họ đã gặp nhiều quan chức thuộc Bộ Ngoại giao, nghị sĩ và học giả có ảnh hưởng của Mỹ.
Tại các cuộc gặp, họ đã bày tỏ mối lo ngại của người dân Hàn Quốc về nguy cơ đe dọa quân sự đang gia tăng của Triều Tiên và tuyên bố họ ủng hộ việc tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ vốn bị rút khỏi Hàn Quốc năm 1991, cũng như ý tưởng để Hàn Quốc tự trang bị vũ khí hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ thấu hiểu về mối lo ngại của người dân Hàn Quốc, nhưng phản đối ý tưởng tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật do lo ngại việc này có thể làm cho căng thẳng trong khu vực gia tăng và cho rằng không tái triển khai là phù hợp với lập trường của Mỹ đối với việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”
Bản thông cáo của nhóm nghị sĩ đối lập Hàn Quốc
Phát biểu với báo giới, nghị sĩ Yoon Young Seok nhận định tuy lập trường của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với việc này cho tới nay không thay đổi, song nhóm nghị sĩ trên cảm nhận được sự thay đổi đáng kể ở quốc hội và giới nghiên cứu của Mỹ.
Chính quyền Moon Jae In cương quyết bác bỏ
Trước đó, ngày 14-9, Tổng thống Moon Jae In đã loại trừ khả năng triển khai vũ khí hạt nhân tại nước này bất chấp những đe dọa hạt nhân từ phía Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn trên Đài CNN của Mỹ, Tổng thống Moon khẳng định việc triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc sẽ khiến 2 miền Triều Tiên không thể thiết lập hòa bình và có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại khu vực Đông Bắc Á.
Theo CNN, Tổng thống Moon nêu rõ: “Tôi không tán thành quan điểm cho rằng Hàn Quốc cần phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình hoặc bố trí lại vũ khí hạt nhân chiến thuật để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”.
Ông khẳng định đối phó với Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân “sẽ không duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại Đông Bắc Á”.
Ngày 17-9, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản ngày 15-9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản ngày 15-9, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Việt Nam nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên; kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và có những hành động mang tính xây dựng, thiết thực, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới”.
Hồi đầu tháng này, một quan chức cấp cao Phủ tổng thống Hàn Quốc cũng khẳng định: “Hàn Quốc chưa bao giờ cho rằng cần tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ”.
Phát biểu trên được đưa ra một ngày sau khi có tin cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Song Young Moo lên tiếng bóng gió về khả năng triển khai loại vũ khí trên trong một cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ James Mattis tại Washington.
Cùng ngày 1-9, trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Yonhap, tân Chủ tịch Đảng Nhân dân Hàn Quốc Ahn Cheol Soo đã bày tỏ thái độ phản đối ý tưởng trên vì cho rằng động thái này sẽ đồng nghĩa với việc công nhận các chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Theo ông, đây không phải là một biện pháp mà Hàn Quốc có thể áp dụng trong tình hình hiện nay. Thay vào đó, Hàn Quốc nên đề nghị Mỹ triển khai lâu dài các loại khí tài quân sự chiến lược theo phương cách luân phiên, nghĩa là luôn có trên lãnh thổ hay không phận của Hàn Quốc hoặc ở gần nước này trong mọi thời điểm.
Trên thực tế, Hàn Quốc đã đạt được sự gia tăng đáng kể về biện pháp quân sự lẫn phòng thủ đó là việc mua thêm vũ khí từ Mỹ và được tăng khối lượng đầu đạn trên tên lửa.
Chưa kể, chính quyền của Tổng thống Moon cũng đã chấp thuận cho triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Khi vừa lên nắm quyền, Tổng thống Moon đã cho dừng kế hoạch ký kết dưới thời người tiền nhiệm với lý do cần xem xét kỹ các góc độ của chương trình.
Nguồn: tuoitre.vn