Phần 2 phim Tuổi thanh xuân hợp tác với CJ E&M (Hàn Quốc) |
Đây là cơ hội để các sản phẩm truyền hình Việt Nam vượt khỏi biên giới, mở rộng đến thị trường quốc tế vốn rất khắt khe |
Ông Đỗ Thanh Hải (giám đốc VFC) |
Đã là chuyện xưa rồi việc mua bản quyền phim truyền hình, game show hay chương trình truyền hình thực tế của các thị trường khác về phát sóng. Các nhà sản xuất nội dung truyền hình trong nước khẳng định năm 2017 sẽ là năm hợp tác sản xuất các nội dung truyền hình và biểu diễn chứ không chỉ quanh quẩn trên con đường mua format như những năm qua. Và Hàn Quốc chính là đối tác tiềm năng nhất của truyền hình Việt trong cuộc “bắt tay” này…
Chương trình Người kết nối hợp tác với Asahi (Nhật Bản) |
Cơ hội để cọ xát
Bước vào thị trường Việt với nhiều sản phẩm, TVB Hong Kong sẽ phát sóng các bộ phim do hãng mình sản xuất trên kênh SCTV9. SCTV9 còn lên kế hoạch hợp tác sản xuất phim truyền hình với TVB trong tương lai. Đa dạng hơn là mối liên kết giữa VTV với Đài QAB Nhật Bản. Sau Người cộng sự, Khúc hát mặt trời, tháng 1-2017 một bộ phim truyền hình khác mang tên Dưới bầu trời xa cách lên sóng VTV1. Đây là bộ phim dài 100 phút, có diễn viên Nhật – Việt, quay 80% ở Nhật và 20% tại Việt Nam nhưng toàn bộ êkip sản xuất là người Việt. Đài QAB hỗ trợ diễn viên Nhật Bản tham gia trong phim và các điều kiện về sản xuất trên đất Nhật Bản. Song song đó, nhân vật chú chó trắng Wan Wan trong chương trình truyền hình Nhật Bản Ú òa từng làm say đắm thiếu nhi khi phát sóng tại Việt Nam vào năm 2004, nay cũng trở lại trên kênh VTV7 với phiên bản Việt từ ngày 2-1. Đáng chú ý, đây là sản phẩm hợp tác giữa Đài truyền hình NHK (đơn vị sản xuất Ú òa) và Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục VTV, với không ít thay đổi để phù hợp tâm lý trẻ em Việt Nam. Các ca khúc gắn liền với thiếu nhi Việt như: Tập tầm vông, Trời nắng trời mưa… được đưa vào chương trình…Dù từng hợp tác với Asahi (đài truyền hình có tuổi thọ lâu đời đứng thứ ba ở Nhật) từ nhiều năm trước nhưng ngày 20-12-2016 vừa qua, MCV (công ty từng sản xuất Xe buýt tình yêu, Con đã lớn khôn) và Asahi mới trở thành đối tác chiến lược của nhau trong năm 2017. Ngoài Vợ chồng son, Người kết nối…, cả hai đang hợp tác sản xuất chương trình P336 – cuộc thi tìm kiếm nhóm nhạc tài năng mang tầm quốc tế. Tập đầu tiên của chương trình lên sóng HTV7 từ ngày 5-1. Không chỉ sản xuất chương trình truyền hình, đào tạo – quản lý nghệ sĩ, MCV và Asahi còn hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như làm phim điện ảnh, mua lại và đầu tư vào cụm rạp Cinebox…Việc hợp tác sản xuất trong các nội dung truyền hình là tín hiệu tích cực của truyền hình Việt bởi sẽ làm phong phú hơn về nội dung các loại hình giải trí trên truyền hình Việt. Ông Đỗ Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam, cho rằng: “Bỏ qua yếu tố giao lưu văn hóa, qua những buổi làm việc chung, chúng tôi học hỏi nhiều bởi Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước có thế mạnh về truyền hình. Từ đó, chúng tôi hoàn thiện sản phẩm sản xuất ở chất lượng kỹ thuật cao, giúp đội ngũ sản xuất tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Đây là cơ hội để các sản phẩm truyền hình Việt Nam vượt khỏi biên giới, mở rộng đến thị trường quốc tế vốn rất khắt khe”. Bà Mỹ Trang – phó giám đốc Công ty Mỹ Thanh, đơn vị có nhiều sản phẩm hợp tác với Hàn Quốc trong năm 2017 – cũng nhìn nhận: “Thị trường giải trí nước bạn đã đi trước mình nhiều năm. Khi cùng nhau làm, chúng ta có thể học hỏi được nhiều và vươn ra khỏi thị trường trong nước”.
Chương trình Chú chó trắng hợp tác với truyền hình Nhật Bản NHK |
Hợp tác có chọn lọc: Đại diện nhà sản xuất MCV cho hay sự khác biệt về văn hóa là một hạn chế khá lớn bên cạnh chênh lệch về trình độ sản xuất. Và đó là một trong những khó khăn khá lớn khi hợp tác. Trong khi đó, phía Điền Quân Media (hợp tác sản xuất Căn hộ trong mơ – The Apartment cùng Imagine Group – Singapore) nhận định: “Hợp tác sản xuất giúp đội ngũ Việt học được rất nhiều bên cạnh việc khẳng định được vị trí, thế mạnh của mình trong nghề. Nếu không phải là đơn vị uy tín thì không thể có được sự hợp tác từ các đơn vị lớn của nước ngoài. Đổi lại, mình phải chấp nhận tốn kém hơn gấp nhiều lần so với một chương trình do mình tự sáng tạo format hay mua bản quyền rồi tự sản xuất. Với mức đầu tư đó, dù mang đến chất lượng và nội dung khá hơn cũng khó hòa vốn”. Ông Bùi Hữu Đức (D.I.D TV) tạm kết lại cho những pha bắt tay sản xuất nội dung mới mẻ này: “Theo tôi, các đối tác nước ngoài vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và chỉ chọn lọc phát triển một số dự án nhất định. Lý do là thị trường Việt Nam dù rất tiềm năng nhưng khả năng sinh lời còn thấp so với các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản…”. |
Nguồn: tuoitre.vn