Đám đông ở Itaewon giẫm đạp vì ai đó báo tin có người nổi tiếng xuất hiện? Tin đồn này liên quan trực tiếp tới thuyết âm mưu chính trị và tranh cãi gay gắt khiến xã hội Hàn Quốc chia rẽ.

Hàn Quốc điều tra vụ giẫm đạp giữa rừng thuyết âm mưu và tranh cãi - Ảnh 1.

Cảnh sát tại hiện trường vụ giẫm đạp chết người ở Itaewon ngày 30-10 

Ngày 31-10, các điều tra viên tại Hàn Quốc khởi động việc xem xét hơn 50 camera cá nhân và công cộng trên khắp khu vực xảy ra vụ giẫm đạp ở thủ đô Seoul khiến hơn 150 người chết vừa qua.

Đây là một phần trong chiến dịch điều tra đặc biệt về nguyên nhân vụ việc. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cùng ngày chỉ đạo điều tra thấu đáo, trong khi chính quyền cho biết đang tập trung vào kịch bản dẫn tới vụ giẫm đạp, và xem xét liệu ai chịu trách nhiệm trong việc kích động đám đông xô đẩy, theo hãng tin Reuters.

Như đã biết, vào đêm 29-10, hàng ngàn người (đa số là thanh thiếu niên hóa trang cho đêm hội Halloween) đã tập trung vào những con đường hẹp ở quận Itaewon, trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Theo các nhân chứng, cảnh hỗn loạn bắt đầu khi đám đông kéo vào một con hẻm dốc chật hẹp, ngay cả khi nó đã kín người.

Theo lời kể chưa được xác thực của một số nhân chứng, đám đông trên đầu dốc hẻm hò hét, xô đẩy, và đây là thời điểm bắt đầu màn chen lấn, giẫm đạp dẫn tới thảm kịch.

Các nhà điều tra hiện nay chưa xác nhận bất kỳ thông tin chính thức nào liên quan tới nguyên nhân dẫn tới xô xát và hỗn loạn. Tuy nhiên, cộng đồng mạng xã hội lan truyền một nội dung phổ biến về việc “có người nổi tiếng xuất hiện” ở Itaewon.

Hàn Quốc điều tra vụ giẫm đạp giữa rừng thuyết âm mưu và tranh cãi - Ảnh 2.

Cảnh chen lấn tại Itaewon vừa qua 

Theo đó, đám đông cố tình chen lấn và hung hãn chỉ vì muốn đổ xô tới gặp “người nổi tiếng” nêu trên. Mặc dù vậy nhiều người trên Twitter phủ nhận thông tin này.

Một thuyết âm mưu khác xuất hiện liên quan tới thông tin trên, khẳng định cảnh sát phải chịu trách nhiệm cho vụ việc, và thậm chí nói rằng chính phủ cố ý thả lỏng tin đồn để tránh phản ứng dữ dội của người dân.

Trên thực tế, đây chính là mấu chốt được truyền thông Hàn Quốc đặc biệt quan tâm trong câu chuyện Itaewon, liên quan tới câu hỏi: Liệu thảm kịch này có phải một kịch bản có thể ngăn chặn hay không?

Tờ Korea Herald dẫn lời một số người cho rằng đáng ra cảnh sát phải xuất hiện nhiều hơn tại Itaewon.

Vấn đề về cảnh sát được quan tâm bởi đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng đám đông cảnh sát được triển khai tới Gwanghwamun để phụ trách an ninh, do có vài cuộc biểu tình diễn ra.

Tuy nhiên Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang Min nhấn mạnh thảm kịch này không thể ngăn từ trước bằng việc triển khai nhiều cảnh sát hơn.

Tại một cuộc báo cáo chính phủ ngày 30-10, ông Lee thừa nhận có chuyện cảnh sát dồn về Gwanghwamun, nhưng khẳng định “việc tụ tập số lượng lớn không tạo ra mối lo ngại đặc biệt”, và quy mô của đám đông so với các năm trước cũng không phải vấn đề.

Theo truyền thông Hàn Quốc, hiện nay khó có thể truy cứu ai là người chịu trách nhiệm cho thảm kịch, bởi đơn giản đám đông kéo tới Itaewon vừa qua là các nhóm người đi chơi tự nguyện, không có sự kiện nào cụ thể được tổ chức, vì vậy cũng không có “ban tổ chức” để đổ lỗi.

Vụ Itaewon vừa qua là thảm kịch chết người tệ nhất của Hàn Quốc trong nhiều năm qua. Năm 2014, một vụ chìm phà tai tiếng đã khiến 304 người thiệt mạng, chủ yếu là học sinh.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : giẫm đạpHàn quốcItaewon

Các tin liên quan đến bài viết