Hamas tuyên bố sẽ phản công tổng lực sau khi Israel đẩy mạnh không kích và tấn công trên bộ qua biên giới, cho thấy chiến dịch đổ bộ của Tel Aviv có thể đã bắt đầu.
Hỏa lực tấn công ngút trời của Israel trên Dải Gaza vào tối 27-10
“Các lữ đoàn Al-Qassam (cánh quân sự của Hamas – PV) và tất cả các lực lượng kháng chiến của người Palestine đã hoàn toàn sẵn sàng để ứng phó với sự xâm chiếm của [Israel] bằng toàn lực và ngăn chặn các cuộc tấn công của họ. Netanyahu và đội quân bại trận của ông ta sẽ không thể đạt được bất kỳ chiến thắng quân sự nào”, Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố ngày 28-10 của Hamas, trong đó nhắc tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Phong trào Hồi giáo Hamas trước đó cho biết các chiến binh của nhóm này đã đụng độ với quân đội Israel tại các khu vực gần biên giới.
Cánh vũ trang của Hamas xác nhận các máy bay chiến đấu của họ đã đụng độ với quân đội Israel tại thị trấn Beit Hanoun phía đông bắc Gaza và ở khu vực Al-Bureij ở miền trung.
Người phát ngôn quân đội Israel, ông Daniel Hagari, tuyên bố tối 27-10 rằng “lực lượng mặt đất đang mở rộng hoạt động vào tối nay”. Ngoài ra không quân Israel tiếp tục các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các đường hầm của Hamas và các cơ sở hạ tầng khác.
Lực lượng mặt đất của Israel đang tập trung bên ngoài Gaza trong lúc Israel đang tiến hành chiến dịch ném bom dữ dội để đáp trả cuộc tấn công ngày 7-10 của Hamas.
Israel cho biết 1.400 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng và hơn 200 người bị bắt làm con tin.
Kể từ đó, cơ quan y tế Palestine cho biết đợt đánh bom của Israel đã giết chết hơn 7.000 người ở Gaza.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 27-10, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza.
Dự thảo được thông qua một cách áp đảo với 120 phiếu thuận, 45 phiếu trắng và 14 phiếu chống.
Chỉ trong vòng hai tuần gần đây, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bốn lần thất bại trong việc thông qua dự thảo nghị quyết liên quan tới Dải Gaza. Hội đồng Bảo an được xem là cơ quan quyền lực nhất Liên Hiệp Quốc, đặc biệt trong các vấn đề xung đột.
Mặc dù kết quả bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng nó vẫn phản ánh nguyện vọng của nhiều nước, do đó mang sức nặng chính trị nhất định và tăng cường áp lực quốc tế lên Israel.
Nguồn: tuoitre.vn