Dự án phục dựng đền Edicule có hầm mộ của Chúa Jesus có tổng kinh phí khoảng 4 triệu USD |
Theo đài NPR (Mỹ), đền Edicule nằm ở trung tâm của nhà thờ Holy Sepulchre (Nhà thờ mộ Chúa) tại Jerusalem, một trong những nhà thờ cổ xưa nhất thế giới. Đền thờ Edicule (hay còn gọi là Nhà nguyện mộ Chúa) là một công trình kiến trúc có từ thế kỷ 12 vốn được xây dựng trên nền phế tích từ thành cổ Jerusalem ở thế kỷ thứ 4. Theo niềm tin của những người theo Công giáo La Mã và Chính thống giáo, đền Edicule là nơi có hầm mộ cổ xưa của Đức Chúa Jesus và Ngài cũng đã tái sinh tại đây. Đền Edicule được xây bao quanh khu hầm mộ này. Du khách có thể quỳ gối trước một khoang đá cẩm thạch hõm vào bên trong, người ta tin đây là nơi chứa phiến đá phẳng đã đặt thi hài Chúa Jesus sau khi Ngài tạ thế.
Nhà thờ Holy Sepulchre ở Jerusalem là nơi có đền thiêng Edicule |
Ngôi đền thờ linh thiêng Edicule gần như bị phá hủy hoàn toàn trong một trận hỏa hoạn năm 1808 và được phục dựng sau đó vào năm 1810. Tuy nhiên kể từ đó trở đi nó không được bảo trì, đại tu lần nào nữa. Các bức tường đá đã cong vênh ra phía ngoài. Nước, độ ẩm và muội nến khiến công trình ngày càng xuống cấp. Bà Bonnie Burnham thuộc tổ chức phi lợi nhuận World Monuments Fund tại New York (Mỹ) – đơn vị đã quyên góp được 4 triệu USD kinh phí phục dựng lại đền thờ – cho biết: “Tôi mạo muội nói rằng nếu sự can thiệp này không thể diễn ra bây giờ, sẽ có nguy cơ rất lớn là công trình sẽ đổ sụp”. Trong số các mạnh thường quân đóng góp cho tổ chức World Monuments Fund, đức vua Abdullah của Jordan và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas mỗi người đã hiến tặng 165.000 USD. Bắt đầu từ tháng 5 năm ngoái, một nhóm phục chế đến từ thành phố Athens (Hi Lạp) đã tách bỏ các phần của đền thờ Edicule và sau đó xếp đặt chúng lại với nhau.
Một mục sư người Hi Lạp đứng bên trong đền Edicule đã được tu bổ |
Các phiến đá được gỡ ra khỏi tường, muội nến và phân chim bồ câu tích tụ trong nhiều thập kỷ đã được cạo bỏ. Cùng với việc gỡ ra các phiến đá trên bề mặt ngoài của công trình, người ta đưa vào đó các tấm lưới titan và vữa trét để củng cố độ vững chãi cho phần cốt của công trình. Điểm đáng chú ý nhất là nhóm phục chế đã loại bỏ bức hàng rào bằng sắt kềnh càng, xấu xí cao 9 mét được dựng bao quanh ngôi đền thiêng năm 1947. Việc gỡ bỏ được nhà khảo cổ Antonia Moropoulou, cũng là người giám sát quá trình phục dựng đền Edicule, mô tả như một sự “tháo bỏ xiềng xích” cho khu hầm mộ. Thời khắc đáng nhớ nhất trong suốt thời gian tiến hành phục chế ngôi đền thiêng diễn ra vào tháng 10 năm ngoái khi nhóm chuyên gia của nhà khảo cổ Antonia Moropoulou tiến vào khu vực thiêng liêng nhất bên trong ngôi đền Edicule. Tại đó họ trượt các phiến đá che phủ phía trên để lộ ra một phiến đá lớn được cho là nơi đã đặt thi hài Chúa sau khi Ngài tạ thế trên cây thập giá. Có một lớp đá có niên đại từ giai đoạn cuối thế kỷ 14, một lớp có niên đại sớm hơn nữa từ thế kỷ thứ tư là khi Hoàng đế Constantine xây dựng ngôi đền thờ này đầu tiên. Phía dưới các lớp đó là phiến đá thiêng. Nhà khảo cổ học người Ý Eugenio Alliata mô tả: “Việc nhìn thấy phiến đá này thật sự quan trọng, nó rất phẳng và gần như nguyên vẹn, từ phải qua trái, hầu như vừa vặn với việc một người có thể ở trên đó. Đây thực sự là điều rất quan trọng. Và đó cũng là lần đầu tiên nó được ghi chép lại đúng như bản thân nó trong thực tế”. Các phiến đá cẩm thạch đã được đặt lại vị trí của nó, nhưng có một sự thay đổi với khu vực thiêng liêng nhất bên trong ngôi đền. Người ta đã cắt ra một ô cửa sổ nhỏ xuyên qua một trong những bức tường. Và bây giờ, lần đầu tiên, những du khách tới đền Edicule đều có cơ hội ghé mắt nhìn thấy những gì bên trong. Một bức tường đá nguyên bản của nơi mà theo truyền thuyết là mộ của Đức Chúa Jesus.