Sau thảm kịch trong đêm Halloween ở Itaewon, Hàn Quốc khiến 156 người thiệt mạng, nhiều người đặt câu hỏi liệu các trường học Việt Nam có nên tổ chức lễ hội này hay không.
Sau đây là quan điểm của thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM.
Thảm kịch trong đêm Halloween ở Hàn Quốc
Sự cố đêm Halloween ở xứ Kim chi là một bài học lớn cho cả thế giới. Cái chết xảy ra ngay trong đêm lễ hội nhưng nguyên nhân đến giờ chưa rõ ràng. Người ta chỉ biết một hiện thực rằng người người giẫm đạp lên nhau, đè bẹp lẫn nhau, xô ngã nhau trong một bầu không khí thiếu oxy trầm trọng. Sự hỗn loạn ấy đã dẫn đến thảm kịch bi thương.
Qua sự việc trên, dư luận đang có 2 quan điểm trái ngược nhau về lễ hội Halloween:
Một cho là không phù hợp với văn hóa Việt Nam, nên dẹp bỏ vì hóa trang thành những con ma kinh dị, máu me, ghê rợn, khiến người nhìn ám ảnh. Nó lại càng không nên xuất hiện trong trường học vì dễ nhuốm màu tang thương, học sinh dễ nảy sinh hạt giống xấu trong tâm hồn. Thế nên, chẳng có gì bổ ích. Quan điểm này hầu hết xuất phát từ những người không còn là học sinh, sinh viên.
Hai cho là bình thường, vui nhộn, thú vị. Lễ hội là cơ hội giải trí, xả stress sau những giờ học tập, nghiên cứu, làm việc căng thẳng. Quan điểm này phần lớn xuất phát từ học sinh, sinh viên.
Đứng trên góc nhìn cá nhân, tôi xin bàn luận vài điều sau đây:
Thứ nhất, Halloween là lễ hội văn hóa hết sức nổi tiếng của phương Tây. Không bàn đến nguồn gốc, tôi xin bàn đến giá trị, ý nghĩa của nó. Lễ hội này tạo ra nét đẹp về việc ghi nhớ và tri ân những oan hồn uẩn tử. Trẻ con tham gia, tăng tính cộng đồng, tính kết nối, tính sáng tạo và kỉ niệm trong một đời trẻ thơ.
Nhìn lại ở Việt Nam chúng ta, tháng cô hồn và hội tảo mộ dành cho người hóa cố chẳng phải cũng là một Halloween nhìn từ một góc độ tương đồng nào đó hay sao? Mỗi nền văn hóa có biểu hiện khác nhau, vậy vì sao chúng ta lại lấy cái khác nhau về biện chứng để so sánh với cái gốc rễ của vấn đề? Vì sao chúng ta cho Halloween là ma quái, ghê rợn nhưng chúng ta cũng có hình nộm, đồ vàng mã bày bán đầy đường?
Giới trẻ hoá trang trong đêm Halloween ở phố Nguyễn Huệ, TP.HCM
Thứ hai, thế giới hiện tại là thế giới phẳng, sự kết nối giao thoa văn hóa là chuyện vốn dĩ hết sức bình thường. Vấn đề ở đây không phải là phê phán ai hay phê phán nền văn hoá nào, mà là chúng ta phải biết chọn lọc “hòa nhập không hòa tan”.
Thứ ba, hiện tại, Việt Nam có rất đông khách phương Tây sang du lịch và hàng năm có trên 25.000 du học sinh sang phương Tây học tập. Vậy, việc tiếp nhận và tổ chức có chọn lọc các lễ hội văn hóa của họ chính là nghệ thuật “câu khách” và trên hết là sự khôn khéo trong ngoại giao, bởi lẽ: Hiểu mình, hiểu người mới là điều thuận lợi.
Thứ tư, không tổ chức trong trường học thì các em cũng sẽ tìm ra bên ngoài. Lúc đó khó mà kiểm soát hết những tình huống, sự cố xảy ra. Vậy tại sao không cho các em một sân chơi an toàn ngay trong môi trường giáo dục?
Thứ năm, đâu nhất thiết phải hóa trang thành những người kinh dị, lễ hội hóa trang có định hướng, có thẩm mỹ sẽ là lễ hội rất ý nghĩa. Việc này người có trình độ, có văn hóa chắc chắn sẽ làm tốt vì đâu đó còn là sắc màu sáng tạo. Chẳng hạn, bánh mì của phương Tây khi sang Việt Nam đã trở thành cái rất riêng cho ẩm thực Việt Nam.
Cái chung và cái riêng đều có thể chuyển hóa lẫn nhau, tùy vào cái tâm của mỗi con người. Nhan sắc xấu xí nếu chứa đựng tâm hồn thiện lành thì sẽ được người đời trân quý. Cái đáng sợ hơn hết là tâm ma mà thôi.
Nguồn: vietnamnet