Trở lại nhịp sống bình thường, liệu chúng ta có còn giữ được những thói quen, suy nghĩ về gia đình, người thân như đã từng có trong đại dịch, hay lại để nhịp sống cuốn đi?
Cuối tuần này, nhiều gia đình đang bận rộn với kỳ nghỉ hè của con trẻ. Có gia đình đi du lịch ngắn ngày, có nhà làm chuyến đi xa hơn, đi dài ngày hơn. Có gia đình dành cả nửa tháng cùng nhau đi phượt…
Mọi công việc được sắp xếp lại, hoặc cũng có thể vừa đi vừa làm việc từ xa, điều mà hầu hết đã quen từ khi đại dịch bùng phát.
Nhiều gia đình mong muốn sẽ dành một mùa hè bên nhau trọn vẹn, nhưng mùa hè năm nay sẽ không phải là những ngày sau cánh cửa như mùa hè của năm 2021 – mà là ở nơi có biển xanh nắng ấm, ở nơi có những cung đường ngát xanh mùi lá thơm…
Năm ngoái vào tầm này, nhiều người không thể ngờ rằng phải ở suốt trong nhà hàng tháng trời. Vậy rồi thời gian cứ trôi, nhưng dường như con người đã được trải nghiệm và học thêm những bài học lớn lao.
Đó là sự quay về và tựa nương vào chính gia đình, vào chính chồng/vợ mình, vào cha mẹ hay con trẻ giữa lúc chúng ta bất an và mọi cuộc vui bên-ngoài-cánh-cửa tạm thời khép lại.
Bởi có ai hình dung được cảnh vừa phải làm việc (may mắn thay cho rất nhiều người khi vẫn có thể giữ được công ăn việc làm) vừa vun vén chuyện nhà, chăm lo bếp núc với những bữa ăn lâm vào cảnh thiếu thốn không ngờ?
Rồi còn phải trở thành người học cùng con, chơi với con khi mà con trẻ có tới 9 tháng không được đến trường, không được đi chơi hè và thậm chí là có nhiều ngày dài không được bước ra khỏi cửa! Toàn là những thực tế chúng ta chưa từng một lần tập dượt để đối diện, thậm chí cũng chưa từng hình dung.
Nhưng cũng chính trong nghịch cảnh đó, chúng ta bất ngờ bước vào tình trạng “gia đình toàn thời gian” thay vì chỉ bán thời gian như trước – khi dành nửa ngày ngoài đường cho công việc/học hành, các mối giao tế xã hội, cho những buổi cơm không phải “cơm nhà”.
Chính “gia đình toàn thời gian” đó, trong ròng rã 2 năm đại dịch đã thành điểm tựa để chúng ta thêm nghị lực, thêm niềm lạc quan đi tiếp.
Chúng ta được ở gần người thân, được làm tròn bổn phận với mái ấm qua ti tỉ việc trước đây chúng ta chểnh mảng.
Con cái được thấy rõ hơn cái chân sưng nề của mẹ, thấy rõ cơn đau tuổi già của cha. Vợ chồng cũng thấy được những cái chau mày và có khi là nét mệt mỏi của người bạn đời trong lúc làm việc tại nhà (điều mà nhiều người từng lướt qua). Cha mẹ đã thay bạn bè, thay thầy cô ở gần con trẻ trọn vẹn quỹ thời gian.
Chúng ta được thực hành những bài học sống tối giản, sống tiết kiệm và hơn hết là sống với tất cả ưu khuyết, mặt trái mặt phải của nhau trong một thời gian dài như vậy, trong một không gian hẹp như vậy, để tự thấy mình có khi chưa hiểu hết chính mình, thấy mình còn thiếu sót ra sao, thấy gia đình còn đang chờ mình làm thêm những gì khác nữa.
Đại dịch thật tàn nhẫn nhưng cũng đem lại cho chúng ta nhiều nếp sống tốt về gia đình, người thân.
Nay nhịp sống đã trở lại bình thường. Những ông bố, bà mẹ và cả những đứa con có đủ lý do để lao vào công việc, thậm chí tung tẩy ngoài đường nhiều hơn. Bữa cơm gia đình cũng thưa dần. Thời gian dành cho gia đình, người thân ít đi, ngắn hơn.
Trở lại nhịp sống bình thường, liệu chúng ta có còn giữ được những thói quen, suy nghĩ về gia đình, người thân như đã từng có trong đại dịch, hay lại để nhịp sống cuốn đi?
Nhưng chắc hẳn ai cũng đồng ý rằng chúng ta đã vượt qua những tháng ngày căng thẳng nhất của COVID-19, có sức mạnh rất lớn từ gia đình.
Cuộc sống sau đại dịch bộn bề khó khăn, nếu chúng ta vẫn giữ được nếp gia đình, chắn chắn cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa không chỉ cho mỗi người mà cả người thân và xã hội.
Nguồn: tuoitre.vn