Sau 2 năm đại dịch, các nhà khoa học vẫn không ngừng đưa ra các giải pháp mới cho việc tiêm chủng. Giới chuyên môn đặt câu hỏi liệu vắc xin không tiêm có thể là tương lai của chủng ngừa Covid-19 hay không?
Rất ít người trong chúng ta thích kim tiêm, nhưng trong năm qua, hầu hết mọi người đều phải chấp nhận xếp hàng để được tiêm. Nhưng một ngày nào đó, kim tiêm và tác động tàn khốc của Covid-19 có thể trở thành dĩ vãng.
Đại dịch Covid-19 đã dẫn tới sự bùng nổ trong nghiên cứu vắc xin, đặc biệt là loại không cần tiêm, sử dụng các công nghệ khác nhau để tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn.
Hiện có 13 loại vắc xin dạng viên hoặc xịt mũi ngăn ngừa Covid-19 đang được phát triển.
Giới nghiên cứu cũng đã thử nghiệm thuốc xịt mũi chống lại virus hợp bào hô hấp, nguyên nhân chính gây nhiễm trùng ngực có khả năng dẫn tới tử vong ở người rất trẻ và người già.
Các nhà chuyên môn cũng sẽ sớm công bố kết quả từ thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin uống chống lại norovirus – virus gây nôn mửa mùa đông. Mỹ cũng phát triển một loại vắc xin mũi nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm bệnh Alzheimer.
Trong cuộc chiến chống lại Covid-19, vắc xin niêm mạc dạng xịt và viên này có thể là những yếu tố thay đổi cuộc chơi. Ultan Power, Giáo sư Virus học Phân tử tại Viện Y học Thực nghiệm Wellcome Wolfson, Đại học Queen Belfast, cho biết: “Các loại vắc xin hiện có giảm thiểu bệnh nặng và tử vong rất hiệu quả. Nhưng với Omicron, khả năng giảm lây truyền của vắc xin có phần suy giảm”.
“Vắc xin niêm mạc tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh hơn trong đường hô hấp. Điều này tạo ra khả năng miễn dịch khử trùng và ngăn chặn virus. Nếu có thể giảm thiểu nhiễm bệnh, chúng ta cũng giảm cơ hội virus đột biến và tìm cách trốn tránh hệ thống miễn dịch”.
Tiến sĩ Sandy Douglas, Đại học Oxford, đánh giá: “Vắc xin niêm mạc tiếp cận những phần khác của hệ miễn dịch mà các vắc xin khác chưa vươn tới”.
Giáo sư Power tin rằng việc kết hợp vắc xin thông thường với liều tăng cường đường mũi hoặc đường uống có thể kiểm soát Covid-19 tốt hơn.
Nguồn: vietnamnet