Trong những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) đã không ngừng nỗ lực thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ nội lực của chính mình. Điểu Như, Điểu Nganh là một trong những tấm gương sáng trong phong trào ấy.

Năm 1985, sau khi lập gia đình, Điểu Như (ngụ xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản) được bố mẹ cho 1 ha đất để trồng lúa rẫy và bắp để sinh sống qua ngày. Cũng như bà con trong Sóc thường quen với phong tục tập quán cũ, gia đình Điểu Như cũng trồng lúa, tỉa bắp vào mùa mưa. Tuy nhiên kết quả cho thu hoạch không đủ ăn, hằng ngày ông phải vào rừng kiếm măng và các loại rau rừng để sống.

Đến năm 1995 được Đảng, Nhà nước quan tâm cũng như sự tín nhiệm của bà con trong Sóc, ông được bầu làm trưởng Sóc. Từ đó ông mới có điều kiện, giao lưu học hỏi kinh nghiệm cách làm ăn của người Kinh và được tiếp cận với khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Ông Điểu Như mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từ diện tích trồng lúa chuyển sang trồng cây điều, lúc điều còn nhỏ, trồng xen canh cây ngắn ngày. Đến năm 2000 gia đình ông dành dụm mua thêm 2 ha đất điều đã có thu hoạch.

Ông Điểu Như với vườn tiêu đang lớn của gia đình
Ông Điểu Như với vườn tiêu đang lớn của gia đình

 “Nhờ mình đi chỗ này chỗ kia học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu các cách làm thành công của bà con. Khi đã có kiến thức tôi quyết tâm vay vốn ngân hàng đầu tư mua trâu bò. Khi đàn bò phát triển hơn 30 con, trâu 20 con rất khó khăn trong việc chăm sóc. Vì vậy tôi bán hết dành tiền mua thêm đất, vườn cây để mở rộng sản xuất” –  ông Điểu Như tâm sự.

Sau nhiều năm phấn đấu không biết mệt mỏi, đến nay gia đình ông đã có 18 ha đất, trong đó 10 ha cao su, 5 ha điều và 3 ha tiêu, tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động, thu nhập từ 40 đến 45 triệu đồng/năm. Trừ mọi chi phí, mang lại thu nhập cho gia đình trên 300 triệu đồng/năm.

Nhớ lại những ngày gian nan vất vả, ông Điểu Như nói: “Quá trình làm thì cái khó khăn nhất đó là tình hình hiện tượng tiêu chết liên tục, nhưng tôi vẫn kiên trì chăm sóc tiêu, chết cây này dăm thay cây khác. Đồng thời tìm hiểu các kiến thức khoa học kỹ thuật, cách trị bệnh vì vậy mỗi ngày mình biết được nhiều kinh nghiệm. Để có được thành công như ngày hôm nay thật không dễ dàng chút nào”.

Ngoài nâng cao năng xuất lao động vườn cây, ông Điểu Nganh còn mở rộng chăn nuôi dê và trâu bò
Ngoài nâng cao năng xuất lao động vườn cây, ông Điểu Nganh còn mở rộng chăn nuôi dê và trâu bò

Có những kết quả trên là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng nhu Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay vốn, đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, từ những mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài huyện từ đó ông biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Điểu Như còn thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong Sóc làm theo. Hàng năm gia đình ông được Hội Nông dân xã xét công nhận là Hội viên sản xuất kinh doanh giỏi.

Cũng như gia đình ông Điểu Như, kinh tế gia đình của ông Điểu Nganh, (SN 1965, ngụ ấp Sóc Răng, xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản) cũng chỉ xuất phát điểm từ 0,5 ha đất để trồng tiêu. Nhưng với những nỗ lực cố gắng của bản thân, ông đã dành dụm tiềm mua thêm 2 ha đất trồng tiêu. Năm 2005, giá tiêu có phần xuống và cây tiêu bị các bệnh chết nhanh, chết chậm khiến gia đình ông mất đi một phần lớn thu nhập. Sau một thời gian tính toán, Điểu Nganh đã chuyển đổi sang trồng cây cao su.

“Là một người trụ cột trong gia đình tôi luôn nỗ lực phấn đấu và suy nghĩ làm thế nào để có thu nhập cho gia đình, con cái luôn được ăn học đầy đủ. Sau nhiều đêm suy nghĩ tôi quyết định chăn nuôi thêm dê, khi mới làm gặp rất nhiều khó khăn. Vì chăn nuôi có tính rủi ro cao, đầu ra không ổn định, lúc đầu tôi cũng băn khoăn, nhưng rồi quyết tâm làm cũng thành công”- Điểu Nganh nói.

Từ năm 2010, ông bắt đầu đầu tư chăn nuôi, ông mua lưới B40 rào xung quanh 0,5 ha đã cưa bỏ cây cao su, xây dựng chuồng trại cho dê ở và chuồng cỏ. Khởi điểm ban đầu là 4 cặp dê bố mẹ, sau ba tháng nuôi bắt đầu có thành quả, đến cuối năm 2010 có thêm 8 con dê con, xuất lứa dê đầu tiên trừ chi phí gia đình ông còn thu lãi 22 triệu đồng. Quá phấn khởi ông đầu tư thêm kinh phí cho chăn nuôi dê kết hợp với cao su.

Thu nhập từ vườn cao su và chăn nuôi dê, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi trên 280 triệu đồng/năm. Các con ông đều được ăn học và có việc làm ổn định. Hiện gia đình ông cung cấp dê giống cho bà con nông dân ở địa phương và các xã lân cận, với giá từ 90 – 120 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, hàng năm ông còn cung cấp cho bà con hội viên nông dân từ 30 – 40 con dê giống. Hiện nay, ông tiếp tục mở rộng chăn nuôi thêm trâu, bò để nâng cao thu nhập, đến nay gia đình ông đã có hơn 10 con trâu, bò trị giá vài trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó gia đình ông còn tạo công ăn việc làm cho 1 đến 2 lao động thu nhập từ 35 – 40 triệu đồng/năm, cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con địa phương còn khó khăn về kinh tế, hỗ trợ cho vay không tính lãi với số tiền 30 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Cường – Chủ tịch hội nông dân xã Thanh Bình chia sẻ “Điểu Nganh là tấm gương nông dân người đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia đóng góp vào các phong trào hoạt động của ấp, xã. Ông cũng là người mẫu mực, luôn chấp hành tốt mọi đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Điểu Như và Điểu Nganh là người năng động, nhiệt tình, say mê với công việc. Cả hai đã mạnh dạn xây dựng thành công mô hình kinh tế phù hợp, cho hiệu quả cao ngay tại vùng đất mới, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Đây thực sự là tấm gương sáng để bà con các dân tộc thiểu số học tập và làm theo.

Theo khoahocthoidai.vn

Từ khóa : đồng bào làm kinh tếđồng bào s'tiêngkỹ thuật nuôi trâu

Các tin liên quan đến bài viết