Từ ngày 3/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương thống nhất kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng…
Sáng nay 1/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức cuộc họp trực tuyến đánh giá kết quả công tác phòng chống dịch Covid-19 từ đầu đợt dịch (ngày 27/1) đến nay, đặc biệt từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ; đồng thời bàn, thống nhất, quyết định các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tiếp theo trong thời gian tới.
Điểm cầu cuộc họp trực tuyến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương.
Tại cuộc họp, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tính từ ngày 27/1 đến ngày 27/2, tình hình dịch bệnh ở Hải Dương chia làm 2 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 1 từ ngày 27/1 đến ngày 15/2, toàn tỉnh ghi nhận 506 ca mắc Covid-19 ở 11/12 huyện, thị xã, thành phố (duy nhất huyện Thanh Miện chưa có ca nào);
Giai đoạn 2 là từ ngày 16/2 đến 27/2 có 147 ca mắc Covid-19 ở 12/12 huyện, thị xã, thành phố. Giai đoạn này huyện Gia Lộc không phát sinh ca mắc mới (tính đến sáng 1/3, vẫn có 1 ca mắc Covid-19).
“Tính đến 27/2, toàn tỉnh Hải Dương ghi nhận có 653 ca mắc Covid-19, đã có 289 người khỏi bệnh và ra viện. Số lượng F1 là hơn 16.000 người, số F1 hoàn thành cách ly là hơn 13.000 người. Toàn tỉnh hiện còn 68 khu cách ly tập trung, hơn 3.000 người đang cách ly. Tổng số mẫu đã xét nghiệm là 400.000 mẫu”, ông Cầu cho biết.
Tâm dịch Chí Linh được dập tắt hoàn toàn
Ông Lương Văn Cầu phát biểu tại cuộc họp.
Theo ông Cầu, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân trong tỉnh, đến thời điểm hiện tại Hải Dương đã kiểm soát tốt dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh.
Tâm dịch Chí Linh đã được dập tắt hoàn toàn: Số ca mắc mới đã giảm rõ rệt (12 ngày qua phát hiện 50 ca bệnh, hầu hết trong khu cách ly và vùng phong tỏa). Xét nghiệm gần 40.000 mẫu (từ 16/2 đến 27/2) không phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng.
Ngoài ra, trọng điểm dịch huyện Cẩm Giàng đã được kiểm soát tốt, nhiều ngày qua số ca mắc đã giảm rõ rệt (các ca mắc đều nằm trong khu cách ly và khu vực phong tỏa). Xét nghiệm 82.000 mẫu (từ 16/2 đến 27/2) không phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng.
Điểm dịch Kim Thành đã được cô lập chặt và đang tập trung dập dịch triệt để trong thời gian sớm nhất.
Thành phố Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách đã triển khai xét nghiệm theo kế hoạch 570, tổng số mẫu xét nghiệm đã làm lần lượt là 27.286, 4.980 và 5.214 không phát hiện ca mắc ở cộng đồng.
“Các địa phương còn lại trong giai đoạn vừa qua chỉ phát hiện 1, 2 trường hợp (đều có liên quan tới các ổ dịch), Gia Lộc không ghi nhận ca mắc mới nào”, ông Cầu cho biết.
Nói thêm về công tác thu dung, điều trị, ông Cầu cho biết: Ngày 28/1 được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã triển khai thành lập ngay bệnh viện Dã chiến số 1 lấy trụ sở tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 (qui mô 200 giường bệnh).
Ngày 29/1 được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch đã triển khai thành lập ngay bệnh viện Dã chiến số 2 lấy trụ sở tại Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 (qui mô 350 giường bệnh, có thể nâng lên 500 giường bệnh).
Đến ngày 26/2, Bệnh viện Dã chiến số 3 (cơ sở 2 của Bệnh viện đa khoa tỉnh, quy mô 240 giường bệnh) lấy trụ sở tại Trường Đại học Sao Đỏ Chí Linh đã chính thức đi vào hoạt động để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
“Bệnh viện Dã chiến số 3 thành lập không phải để giảm tải cho 2 bệnh viện dã chiến 1 và 2, Bệnh viện Dã chiến số 3 có nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 lâu dài trên địa bàn tỉnh, nhằm mục đích đưa Trung tâm Y tế TP Chí Linh và Bệnh viện trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trở lại khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân trên địa bàn”, ông Cầu cho biết.
Ngày 27/2 đã chuyển hết bệnh nhân từ Bệnh viện dã chiến số 1 sang cơ sở 2 Bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị (Bệnh viện dã chiến số 1 sẽ tiến hành tiêu độc khử trùng để Trung tâm y tế TP Chí Linh tiến hành khám, chữa bệnh bình thường trở lại cho người dân trên địa bàn).
Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lắng nghe những ý kiến đóng góp từ ý kiến của Bí thư các huyện, thị xã, thành phố và giám đốc các ngành như GTVT, Giáo dục…
Từ ngày 3/3, kết thúc 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16
Từ ngày 3/3, tỉnh Hải Dương kết thúc 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương kết luận cuộc họp.
Theo đó, từ ngày 3/3, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương thống nhất kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
“Đến nay, có thể nói Hải Dương đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, ngăn chặn sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Nhiều địa phương của Hải Dương đã an toàn, điều này cũng là giữ được an toàn cho cả nước. Do đó, chúng ta không cần thiết phải gia hạn thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng nữa”, ông Thăng nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng kết luận cuộc họp.
Ông Thăng lưu ý, trong những ngày tới, có thể sẽ còn xuất hiện những ca mắc mới trong khu cách ly và có thể vài trường hợp ở cộng đồng, nhưng bằng kinh nghiệm đúc kết trong thời gian qua, Hải Dương sẽ vẫn “tự tin” kiểm soát được dịch bệnh.
Ông Thăng đề nghị, các huyện, thành phố, thị xã chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với mức độ nguy cơ đối với từng khu vực, địa điểm cụ thể trên địa bàn, bảo đảm không chủ quan, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực trong hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, theo định hướng như sau: Thành phố Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và Kim Thành “cơ bản” thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19;
8 huyện còn lại “cơ bản” thực hiện theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; các xã, khu, điểm dân cư đang thực hiện lệnh phong tỏa thì tiếp tục thực hiện cho tới khi hết lệnh phong tỏa.
Ông Thăng giải thích, sở dĩ ông dùng cụm từ “cơ bản” thực hiện các Chỉ thị nói trên là để có độ “mở” cho các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế để vận dụng cho linh hoạt.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chỉ đạo thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Dân Trí