Với làn đường khoảng 15m được chia một phần cho xe buýt. Vậy, mỗi ngày hàng trăm nghìn phương tiện lưu thông qua có đủ diện tích để đi lại hay người dân lại phải trông cảnh ùn tắc, cả tiếng đồng hồ…

20180604_085857
Tuyến đường QL6 đoạn từ Cầu Trắng (Hà Đông) đến Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) có lượng phương tiện tham gia giao thông đông.

Đề xuất mở lại làn riêng xe buýt trên đường Nguyễn Trãi

Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội lại tiếp tục đề xuất mở làn riêng cho xe buýt thường trên đường Nguyễn Trãi. Đáng nói là hơn chục năm trước, tuyến đường này đã có làn riêng cho buýt nhưng vì nhiều bất cập nên phải dẹp bỏ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, để thu hút người dân tham gia phương tiện công cộng xe buýt cần phải có làn dành riêng cho xe buýt (gồm xe buýt thường và xe buýt BRT).

“Trong kế hoạch năm nay, chúng tôi sẽ đề xuất Sở GTVT Hà Nội mở lại làn đường dành riêng cho xe buýt từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông). Sau khi đường sắt trên cao hoàn thành sẽ kết nối ngang giữa các tuyến xe buýt với các nhà chờ”, ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, trước đây, Hà Nội đã tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt thường trên đường Nguyễn Trãi. Nguyên nhân bỏ làn ưu tiên không phải do bất cập hay ùn tắc mà để đảm bảo thi công đường sắt trên cao. Trên đường Nguyễn Trãi có đủ các điều kiện mở làn ưu tiên cho xe buýt như: Hai bên làn đường, mỗi bên đều có chiều rộng hơn chục mét; trước đây đã có làn ưu tiên cho xe buýt, giờ phục hồi trở lại; Tuyến đường có thể tổ chức tốt cho hệ thống xe buýt gom kết nối với tuyến đường sắt trên cao để thuận tiện và thu hút lượng khách hơn.

“Làm làn đường riêng cho xe buýt là mô hình của nhiều quốc gia và các thành phố lớn trên thế giới. Các thành phố lớn trên thế giới, nếu đường đủ điều kiện, họ thường ưu tiên tổ chức làn riêng cho buýt. Quan trọng tổ chức làn nào cho phù hợp, phát huy hết tác dụng”, ông Hải nói và cho biết, về thời gian dự kiến triển khai làn riêng cho xe buýt thường trên đường Nguyễn Trãi đơn vị đang nghiên cứu để đánh giá mức độ phù hợp, sau đó mới báo cáo thời gian cụ thể để TP Hà Nội duyệt.

Trước đề xuất này, ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông sáng 4/6 trên trục đường QL6 từ đoạn Cầu Trắng (Hà Đông) đến đường Ngã tư Sở cho thấy, dù với lòng đường hai chiều rộng mỗi bên khoảng 15m nhưng lượng phương tiện lưu thông vẫn ken kín. Trong đó, có một số đoạn thường xuyên ùn ứ như: Học viện An ninh ùn tắc kéo dài hàng trăm mét đến Ngã ba đường Chiến Thắng – Trần Phú (Hà Đông), khu vực nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi… Khu vực ngã tư Khuất Duy Tiến hai bên là hầm chui, diện tích còn lại cho lòng đường, mỗi bên chỉ khoảng 8m. Nếu đề xuất trên được duyệt thì đoạn đường mỗi bên chỉ còn khoảng 5m cho lưu thông hỗn hợp.

Đáng nói hơn, mặt đường của tuyến đường này gần đây xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn lồi lõm, bong tróc mặt nhựa. Phần đường dành cho thi công đường sắt trên cao dù đã được hoàn trả nhưng chất lượng khá tệ, các phương tiện thường phải đi tránh sang phía làn bên cạnh.

Nhiều ý kiến trái chiều

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội trong văn bản gửi UBND TP và Sở GTVT Hà Nội bày tỏ đồng thuận với việc mở làn riêng cho buýt thường trên đường Nguyễn Trãi. Không những vậy, theo ông Thông, tùy điều kiện có thể bố trí đường riêng phía bên phải hướng đi ở những đường có chiều rộng trên 7m làm làn riêng cho buýt. “Nếu không có làn ưu tiên, buýt sẽ không thể tăng tỷ lệ người dân sử dụng”, ông Thông lý giải.

Ở chiều ngược lại, chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, mở lại làn riêng cho xe buýt thường sẽ chiếm trọn 1/3 diện tích mặt đường Nguyễn Trãi. Việc này sẽ khiến xe máy, ôtô đổ dồn sang di chuyển trên các làn đường còn lại dễ gây ùn tắc nghiêm trọng hơn. Khoảng năm 2004, Hà Nội đã dành làn riêng cho buýt trên tuyến này, nhưng sau đó tồn tại nhiều bất cập, ùn tắc thường xuyên.

“Đáng ngại hơn là ôtô, xe máy thường xuyên đi vào làn riêng này, gây mất ATGT và xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Lực lượng chức năng cũng không xử lý nên người tham gia giao thông ngày càng nhờn. Giờ không nên mở lại vì không gian quá chật hẹp. Hà Nội cần nghiên cứu kỹ trước khi chấp thuận”, TS. Thủy nói.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên trường Đại học GTVT cho rằng, Hà Nội sau này cấm xe máy có thể mở làn đường riêng cho xe buýt. Còn thời điểm này chưa nên triển khai. Bởi, ngay làn đường riêng cho xe buýt nhanh BRT trên đường Lê Văn Lương cũng đang tồn tại quá nhiều bất cập.

“Tôi chưa nhìn vào kết quả Hà Nội tổng kết nhưng trên xe, ngoài khoảng 1, 2 giờ cao điểm sáng, tối, trên buýt BRT đều rất vắng hành khách”, TS. Thủy nói và cho rằng, hàng ngày các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này quá chật vật, áp lực. Vào khung giờ cao điểm, các phương tiện vẫn phải đi vào làn đường riêng. Lực lượng chức năng cũng căng sức phân làn chứ không thể xử phạt trong giờ cao điểm. Xe buýt BRT cũng vì thế mà tỏ ra “chậm chạp” trên chính làn đường ưu tiên của mình.

Ông Nguyễn Văn Long, làm việc tại một cơ quan trên đường Trần Phú, Hà Đông cũng tỏ ra không đồng thuận việc các cơ quan chức năng đề xuất mở làn đường riêng cho xe buýt thường. “Với làn đường khoảng 15m được chia một phần cho xe buýt. Vậy, mỗi ngày hàng trăm nghìn phương tiện lưu thông qua có đủ diện tích để đi lại hay người dân lại phải trông cảnh ùn tắc, cả tiếng đồng hồ không tới chỗ làm”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ cử người đi nghiên cứu tính khả thi của tuyến đường. Không phải cứ đơn vị đề xuất là Sở GTVT và thành phố duyệt, được phép triển khai ngay.

Theo Báo Giao thông

Từ khóa : Hà Nộilàn riêng cho buýt thườngNguyễn Trãixe buýt

Các tin liên quan đến bài viết