Sở GD-ĐT Hà Nội vừa đưa ra 3 phương án để xin ý kiến về tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019. Nhiều phụ huynh lo lẵng sẽ “không kịp xoay xở”.
Vào tháng 4/2018, theo thông tin mà Sở GD-ĐT Hà Nội công bố, từ năm học 2019-2020, thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ thi 3 bài thi – gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp:Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học).
Tuy nhiên, tại cuộc họp sáng 13/8 mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội lại đưa ra 3 phương án để xin ý kiến về tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019.
Điều này khiến các phụ huynh và học sinh không khỏi bất ngờ.
Chị Nguyễn Thu Hương có con đang học lớp 9 tại một trường THCS ở quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng: Sắp sửa bước vào năm học mới mà chưa chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý học sinh.
“Đồng ý là có thể Sở GD-ĐT hướng đến việc học sinh phải học đều các môn nên đưa ra những phương án điều chỉnh. Thế nhưng nếu ngay từ đầu năm học, biết mình sẽ thi vào lớp 10 bằng hình thức và cách thức gì sẽ khiến các con yên tâm hơn cho việc học và ôn luyện. Còn giờ đây thật sự chúng tôi rất mông lung”
Theo chị Hương, nếu giờ chưa chốt được phương án tuyển sinh sẽ khiến ảnh hưởng quá trình chuẩn bị của các học sinh do việc công bố cấu trúc đề và kỳ thi bị chậm lại.
Nam sinh tỏ ra mệt mỏi trước giờ thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm 2018. |
Chị Tuyết Mai (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng bày tỏ:
“Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội hiện nay được đánh giá còn căng thẳng hơn thi vào ĐH. Vậy mà đến giờ, các con vẫn chưa biết chính xác mình sẽ thi theo kiểu nào. Tôi cảm thấy rất lo khi con bước vào lớp 9 nhưng chưa biết phương án thi vào 10 sẽ ra sao. Tôi cảm thấy những nhà làm giáo dục như chưa bao giờ lắng nghe tâm tư học sinh, phụ huynh, lắng nghe những thầy cô trực tiếp giảng dạy về những khó khăn khi phải đối mặt với những cái gọi là đổi mới. Không biết từ bao giờ học sinh như mất phương hướng trong việc học và giáo viên thì mải miết chạy theo để cập nhật những chính sách mới”.
Chị Mai cũng đã tính đến cả phương án cho con học trường tư.
“Nếu việc thi cử quá cập rập và căng thẳng, tôi xác định sẽ cho con thi vào trường tư để tránh gây áp lực và tổn thương con quá nhiều”.
Trên nhiều diễn đàn bàn về giáo dục, nhiều phụ huynh cũng góp ý, việc đưa ra các phương án tuyển sinh ở thời điểm sát năm học mới là quá cập rập.
TS Toán học Lê Thống Nhất góp ý:
Phương án 2 tuy đã được thực hiện từ năm học 2005 – 2006 cho tới năm học 2018 – 2019, Sở GD-ĐT Hà Nội đã từng phân tích đây là phương án đạt được sự ổn định về tâm lý cho học sinh và cho cả thầy cô. Tuy nhiên vẫn bộc lộ những nhược điểm như học sinh học lệch (tập trung vào Toán và Ngữ văn), phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của các thầy cô và của mỗi trường. Bởi vậy tháng 4/2018, Sở đã đưa ra phương án 3.
Với phương án 3, số môn mà học sinh phải ôn tập sẽ là 6. Ngay với tuyển sinh vào ĐH, các tổ hợp xét tuyển cũng chỉ là 3 môn mà thôi, tuy học sinh lớp 12 phải thi những tổ hợp KHTN (Lý, Hoá, Sinh) hay tổ hợp KHXH (Sử, Địa, Giáo dục công dân) nhưng các môn không thuộc tổ hợp môn xét tuyển các em cũng chỉ học nhẹ nhàng để thoát điểm “liệt”. Vậy học sinh lớp 9 khi phải ôn tập để tuyển sinh lớp 10 phải dùng đến 6 môn thi là quá nhiều. Bài học của Hải Phòng khi đưa ra số môn phải học để thi tuyển sinh lớp 10 đã tạo nên phản ứng của xã hội, năm học 2018 – 2019 đã phải thay đổi. Do đó Sở GD-ĐT Hà Nội cần thận trọng nếu chọn phương án này.
Với quan điểm cá nhân, TS Nhất “bỏ phiếu” cho phương án 1 là phương án phù hợp nhất lúc này, vừa khắc phục được nhược điểm của phương án 2 lâu nay lại không tạo áp lực về số môn thi như phương án 3”.
Bà Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân cho biết đã đề xuất thực hiện theo phương án 1. Tức là thi tuyển bằng 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư (thuộc 1 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Bài thi thứ tư do Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3.
“Như vậy, cuối tháng 3 khi thông báo thì học sinh sẽ chỉ phải học thêm một môn nữa thôi. Nên việc ôn tập 1 môn từ thời điểm đó cho đến lúc thi vẫn có thể. Học sinh vẫn phải học tất cả các môn nhưng phương án học sinh sẽ đỡ phải ôn tập nhiều môn vất vả, giảm bớt áp lực”, bà Hảo lý giải.
Trao đổi với VietNamNet, bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng cho hay, bà nghiêng về phương án 3 và đã đưa ra ý kiến của mình với Sở GD-ĐT Hà Nội.
“Bởi với phương án 2 thì học sinh sẽ học lệch. Phương án 1 thì tôi lại nghĩ sẽ hơi nặng đối với học sinh. Nhìn thì chỉ thi 4 môn; trong đó đã rõ ràng 3 môn; còn môn thi thứ 4 đến tận cuối tháng 3 – tức là những tháng cuối cùng mới biết – thì học sinh sẽ vẫn phải học đầy đủ tất cả các môn. Còn phương án 1 thì Toán và Văn học sinh đã phải trình bày bài thi bằng tự luận rồi, nếu giờ thêm 2 bài thi tự luận 2 môn còn lại nữa thì sẽ rất nặng. Tất nhiên, mỗi phương án sẽ có khó khăn nhất định nhưng việc thi bằng hình thức trắc nghiệm có vẻ là nhẹ nhàng hơn.
Theo bà Nga, nếu thực hiện theo phương án 1 mà 2 bài thi Ngoại ngữ và môn thứ 4 là tự luận thì học sinh “vừa phải học hết, lại phải học một cách rất cơ bản. Học để trình bày được thì học sinh phải hiểu rất sâu chứ không thể học một cách đơn giản được. Như vậy lúc đó việc học sẽ trở nên rất nặng. Đặc biệt càng bùng phát chuyện học thêm. Còn nếu thi trắc nghiệm thì có thể nhận biết, áp dụng là có thể làm được”.
Bàn về phương án 3, bà Nga cho rằng: “Thi tổ hợp vào lớp 10 là một điều mới ở Hà Nội nhưng đó là điều mà các giáo viên cũng cần phải đổi mới để có thể dạy học cho học sinh nắm bắt được”.
Tuy nhiên, với phương án 3, bà Nga vẫn còn chút e ngại việc xây dựng đề thi và chất lượng có được đảm bảo, phù hợp trong thời gian không quá dài. “Nếu đề thi đáp ứng được trên cơ sở nắm bắt đại trà thì phương án 3 tôi cho sẽ nhẹ nhàng hơn đối với học sinh”, bà Nga nói.
Nguồn: vietnamnet