Sau nhiều tuần cẩn trọng cân nhắc, UBND TP Hà Nội chính thức quyết định cho học sinh một số khối trở lại trường từ ngày 8-11.

Hà Nội cẩn trọng mở cửa trường học - Ảnh 1.

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, từ ngày 8-11 học sinh các khối 5, 6, 9, 10, 12 ở các quận, huyện, thị xã thuộc cấp độ 1, 2 về dịch sẽ trở lại trường học trực tiếp. Các lớp còn lại ở các vùng này và học sinh ở các vùng cấp độ 3, 4 sẽ tiếp tục học trực tuyến. Học sinh mầm non tiếp tục nghỉ học.

Chúng tôi vẫn phải chuẩn bị nhiều phương án, trong đó có những phương án phải cho học sinh quay lại học trực tuyến, nếu việc trở lại trường không thuận lợi và chưa an toàn.

Lãnh đạo một trường ở huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Hồi hộp chuẩn bị sẵn sàng

18 huyện, thị xã của Hà Nội có học sinh quay lại trường từ ngày 8-11 gồm Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Thanh Oai, Quốc Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Trì và Đông Anh.

Các địa phương này đều có xen kẽ các xã, phường thuộc cả cấp độ 1 và 2. Đây cũng là những địa bàn được xác định là “vùng xanh” vào thời điểm tháng 10 và nằm trong kiến nghị của Sở GD-ĐT Hà Nội cho học sinh trở lại trường sớm.

Trong suốt tháng 10, trường học ở các địa bàn trên đã được yêu cầu chuẩn bị tổng vệ sinh, phun khử khuẩn nhiều lần, báo cáo phòng GD-ĐT về phương án đón học sinh trở lại trường. “Ba Vì chỉ có 2 xã cấp độ 2, còn lại 29 xã cấp độ 1. Đợt dịch vừa qua chỉ có 8 ca F0 và đã qua nhiều ngày không phát sinh ca mới.

Tuy nhiên để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, phòng GD-ĐT đã yêu cầu các trường vệ sinh, khử khuẩn. Đặc biệt là có phương án đảm bảo giãn cách, phòng dịch trong thời gian đón học sinh trở lại, sẵn sàng xử lý khi có phát sinh dịch” – ông Phùng Ngọc Oanh, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, cho biết.

Ở Trường THCS Võng La (Đông Anh), các giáo viên, nhân viên cho biết đã “mừng hụt” vài lần vì được huy động đến trường dọn vệ sinh, lau chùi bàn ghế để đón học sinh, nhưng sau đó lại tiếp tục chờ đợi. Vì thế, ai cũng mừng và hồi hộp khi có quyết định của thành phố.

“Đã qua mấy đợt dịch nên những công việc chuẩn bị phòng dịch chúng tôi đều nắm chắc. Ngoài vệ sinh, bổ sung trang thiết bị y tế, vệ sinh, việc rà soát nắm tình hình sức khỏe học sinh, yếu tố dịch tễ của các gia đình học sinh và phương án phân luồng đảm bảo giãn cách khi đón học sinh trở lại được lưu ý nhất” – một lãnh đạo trường này cho biết.

Theo ông Vương Văn Lâm, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hoài Đức, 100% trường học trên địa bàn đều đã được phun khử khuẩn, chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết.

“Phòng GD-ĐT đã phối hợp với cơ quan chuyên môn để kiểm tra, đánh giá tiêu chí an toàn của các nhà trường, dựa trên bộ tiêu chí an toàn trường học của Hà Nội. Trong đó lưu ý đến phương án đón, trả học sinh, phương án đảm bảo phòng dịch khi học sinh ở trường và phương án xử lý khi có vấn đề phát sinh” – ông Lâm nói.

Trước đó, ngày 29-10, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống COVID-19 trong trường học. Mỗi tiêu chí sẽ được đánh giá ở hai mức: đạt và không đạt. Số tiêu chí đạt càng nhiều, mức độ an toàn càng cao. Nếu chỉ đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá thực hiện chưa tốt, không an toàn và không được phép hoạt động.

Theo lãnh đạo phòng GD-ĐT các huyện ngoại thành, việc “chấm điểm” tiêu chí an toàn sẽ được thực hiện xong trong tuần này, để đảm bảo những trường đạt yêu cầu có thể đón học sinh vào đầu tuần tới. Tuy nhiên nhiều trưởng phòng cũng đang lo ngại khi xuất hiện ca F0 cộng đồng trên địa bàn trong 1 – 2 ngày gần đây nhưng chưa có điều chỉnh cấp độ dịch.

Tỉ lệ giáo viên tiêm vắc xin mũi 2 đạt trên 60%

Theo quy định của Hà Nội, chỉ giáo viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới được dạy trực tiếp, còn lại sẽ dạy trực tuyến. Hiện toàn thành phố có 62% số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các trường học đã tiêm đủ 2 mũi. Có trên 98% đã tiêm 1 mũi.

Tỉ lệ giáo viên đứng lớp được tiêm đủ 2 mũi ở các huyện ngoại thành Hà Nội ở mức cao. Theo bà Bùi Thị Minh Hằng, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng, có trên 80% giáo viên ở huyện này đã tiêm 2 mũi vắc xin. Ông Vương Văn Lâm thì cho biết trên 90% giáo viên ở huyện Hoài Đức đã hoàn thành tiêm mũi 1, đang có kế hoạch “phủ mũi 2”.

Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh mong mỏi Hà Nội sớm triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh, tốt nhất là tiêm trước khi học sinh trở lại trường.

Những cái khó

“Giáo viên tiêm đủ 2 mũi mới được dạy trực tiếp, trong khi đó trường vẫn phải duy trì vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến. Trên thực tế việc phân bổ giáo viên cơ học không được vì phải theo đặc thù môn học. Số lượng giáo viên giữa các môn không đồng đều, trong khi có những giáo viên khó điều chuyển dạy từ khối lớp này sang khối lớp khác” – một hiệu trưởng ở huyện Thanh Trì nói về khó khăn khi mở cửa trường trở lại.

Một số hiệu trưởng cũng băn khoăn về việc ở bậc THPT đang có tình trạng một số học sinh học chéo quận huyện so với nơi cư trú. Cụ thể học sinh ở vùng cấp độ 3, 4 lại học ở trường trong khu vực cấp độ 1, 2.

“Khi trường ở vùng cấp độ 1, 2 cho học sinh trở lại thì có thể cho phép những học sinh cư trú ở vùng cấp độ 3, 4 đến trường không? Nếu không được thì sẽ nảy sinh tình trạng trong một lớp ở một trường sẽ có một số ít học sinh vẫn phải học trực tuyến, còn đa số học trực tiếp. Việc này sẽ khó khăn trong quản lý và cũng khó khăn cho những học sinh rơi vào tình huống cá biệt” – giáo viên một trường tư ở huyện Sóc Sơn cho biết.

Sẵn sàng các phương án dập dịch tại các trường

vietxuan

Các học sinh đang cách ly tại Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Ea Kar) được cô giáo, phụ huynh chăm sóc

Chiều 2-11, ông Nguyễn Minh Châu – phó chủ tịch UBND huyện Krông Năng, Đắk Lắk – cho biết đã có xét nghiệm RT-PCR khẳng định hai học sinh tại Trường THCS Y Jut và Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện dương tính với COVID-19. Hai học sinh này là hai anh em, trú tại xã Ea Hồ (Krông Năng) và hiện chưa xác định được nguồn lây.

Từ ngày 1-11, gần 60 F1 đang được lưu ở lại 2 trường, huyện chưa có phương án sẽ cách ly tập trung tại chỗ hay đưa về các điểm cách ly tập trung. “Chúng tôi đang họp bàn giải pháp cách ly tập trung đảm bảo an toàn cao nhất cho các em học sinh” – ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, sau khi có hai F0 là học sinh, huyện đang tính toán lại việc có tiếp tục cho học sinh đi học trực tiếp hay không. Trước mắt, hai trường có F0 đã học trực tuyến, những nơi khác vẫn đang học trực tiếp.

Về nguy cơ có thêm một số trường học trở thành điểm dịch, ông Châu cho biết cũng đã sẵn sàng vì khi tổ chức cho đi học lại, địa phương đã lường trước có nguy cơ. Huyện cũng đang tiếp tục khảo sát nhiều điểm cách ly tập trung đảm bảo yêu cầu phòng dịch, ăn nghỉ, nhất là với học sinh nhỏ tuổi để dự phòng cho tình huống xấu nhất.

Trong khi đó, tại huyện Ea Kar, đến nay chưa ghi nhận thêm học sinh nào nhiễm COVID và toàn bộ F1 đang được cách ly tại trường học. Tại các điểm cách ly tại trường, ngoài thầy cô giáo còn có nhiều phụ huynh được vận động vào trường. Xã ra quyết định cho những phụ huynh tự nguyện vào cách ly 14 ngày với con em mình.

Một lãnh đạo UBND huyện Ea Kar khẳng định việc cách ly tại trường học là tối ưu nhất, thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT với những học sinh nhỏ tuổi, các điểm cách ly phải có phụ huynh để học sinh ổn định tâm lý.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19Hà Nộihọc sinh đi học trở lạimở cửa trường học

Các tin liên quan đến bài viết