Theo chuyên gia, nếu không xuất hiện các biến chủng mới từ nước ngoài xâm nhập, Omicron vẫn là chủng SARS-CoV-2 lưu hành chính tại Hà Nội thì số mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục giảm dần về mức thấp.
Từ đầu đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4) tới hết ngày 1/4, địa bàn Hà Nội đã ghi nhận hơn 1,48 triệu ca Covid-19, dẫn đầu cả nước, vượt xa địa phương xếp thứ hai là TP.HCM (trên 595.000 ca). Giai đoạn “đỉnh điểm” nhất của dịch bệnh tại Thủ đô rơi vào khoảng nửa cuối tháng 2, đầu tháng 3 khi nhiều ngày liên tiếp ghi nhận trên dưới 30.000 ca Covid-19.
Tuy nhiên thời gian trở lại đây, số nhiễm mới tại Hà Nội liên tục đi xuống. Tại bản tin ngày 1/4, Hà Nội chỉ ghi nhận 7.734 F0 mới, với 2.076 ca cộng đồng và 5.658 ca đã cách ly. Đem so với giai đoạn “cao điểm” trước đó thì số nhiễm trong ngày đã giảm gần 4 lần.
Trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội cho biết, đỉnh dịch Hà Nội đã đi qua hơn 10 ngày. Hiện số lượng ca nhiễm mới giảm rất nhiều so với giai đoạn trước, những ngày gần đây chỉ dưới 10.000. Về tình hình tiêm chủng, tỷ lệ tiêm phủ vắc xin của Hà Nội đang ở mức cao so với cả nước: tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản là khoảng 99,6 – 99,7%, các liều tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cũng đạt tỷ lệ rất cao. Đặc biệt, có 88% người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ đã tiêm mũi 3 vắc xin.
Theo vị đại diện, trong tình hình mới, một trong những vấn đề rất quan trọng là tiếp tục rà soát, đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin Covid-19. “Cần tiếp tục tuyên truyền, rà soát tới cả những người di cư, di dân từ vùng khác về Hà Nội hoặc những bệnh nhân bị liệt, nằm ở nhà mà chưa tiêm thì phải tiêm vét cho họ. Tiêm đủ mũi cơ bản nếu chưa tiêm và tiêm mũi bổ sung, tăng cường nếu đã hoàn thành mũi cơ bản”, vị này nói.
Về vấn đề xét nghiệm, hiện chủ yếu chỉ khuyến cáo xét nghiệm với những người trong nhóm nguy cơ và có triệu chứng thay vì xét nghiệm tràn lan. Những người thuộc nhóm nguy cơ gồm: người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh nặng mạn tính giai đoạn cuối, người có bệnh gây suy giảm miễn dịch,…
Vị lãnh đạo cũng cho hay đến thời điểm này, có một số vấn đề trong phòng chống dịch đã không còn phù hợp như lấy mã số ca bệnh hàng ngày hay đánh giá cấp độ dịch.
Cụ thể, với vấn đề đánh giá cấp độ dịch, nếu theo quan điểm trước đây, khuyến khích đánh giá xuống từng xã phường thì rất nhiều nơi sẽ thuộc cấp độ 4 khi xét số F0 mới, kéo theo hàng loạt vấn đề phía sau như phải dừng cho học sinh đi học, giảm các tương tác xã hội. Điều này sẽ khó khăn khi chúng ta đã “mở cửa” với quốc tế và bắt đầu cho học sinh đi học trở lại. Bên cạnh đó, về tiêu chí liên quan đến điều trị như tỷ lệ giường ICU thì tuyến xã, y tế cơ sở cũng không thể đáp ứng.
Được biết, hiện nhiều địa phương đã có các đề xuất lên Bộ Y tế và chờ hướng dẫn cụ thể để có những thay đổi tiếp theo trong phòng chống dịch.
Đường Nguyễn Trãi, Hà Nội |
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, Hà Nội đã đi qua đỉnh dịch, bởi vậy điều tất yếu là số F0 sẽ đi xuống và thời gian tới còn tiếp tục giảm nếu không xuất hiện biến chủng mới. Theo PGS Nga, hơn 1,4 triệu ca mắc Hà Nội đã công bố là con số khá lớn. Tuy nhiên, dựa trên các quy tắc về dịch tễ học thì đây chỉ là “tảng băng nổi”. Khi dịch đã lây lan mạnh ra cộng đồng, số F0 thực tế có thể vượt nhiều lần.
PGS so sánh với một dịch bệnh phổ biến là sốt xuất huyết, theo quy tắc về dịch tễ học, 1 người mắc sốt xuất huyết tức có thể 4 -5 người khác đã bị muỗi cắn, có virus trong người nhưng không phát bệnh.
“Covid-19 cũng như vậy. Rất nhiều người mắc bệnh nhưng không khởi phát triệu chứng. Hoặc có triệu chứng nhưng họ không test, không phát hiện ra bản thân nhiễm. Cũng có những người test dương mà không khai báo, chỉ tự điều trị tại nhà; có người lại không khai báo vì khó liên lạc với y tế địa phương”, PGS Nga nói.
Ông khẳng định, khi số mắc đã “qua đỉnh” thì việc đi xuống là điều tất yếu.
Bên cạnh đó, hiện không có yêu cầu bắt buộc người dân khai báo y tế nên nhiều F0 sẽ không báo, trừ người cần xin giấy chứng nhận để hưởng bảo hiểm hoặc F0 có bệnh nền muốn được y tế địa phương theo dõi. Bởi vậy, thời gian tới, số F0 được công bố sẽ tiếp tục giảm.
Dự báo tình hình dịch tại Hà Nội trong giai đoạn tới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng nếu không xuất hiện các biến chủng mới từ nước ngoài xâm nhập, Omicron vẫn là chủng SARS-CoV-2 lưu hành chính tại Thủ đô thì số mắc và số nặng sẽ tiếp tục giảm dần về mức thấp. Thậm chí, Covid-19 có thể trở thành “bệnh lưu hành”.
“Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu không xuất hiện biến chủng mới. Bởi vậy, người dân vẫn nên cố gắng phòng bệnh, tuân thủ 5K, đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng thường xuyên. Những người sức khỏe yếu, có bệnh nền, người cao tuổi nếu chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi thì cần tiếp tục tiêm chủng”, PGS Nga nói.
Theo ông, chính quyền vẫn cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe, không chỉ với riêng Covid-19 mà còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Với nhóm nguy cơ diễn tiến nặng cao nhưng không tiêm được vắc xin, cần có những biện pháp bảo hệ họ.
VietNamNet đặt vấn đề, trong giai đoạn cao điểm dịch tại Hà Nội vừa qua, hệ thống y tế cơ sở (y tế xã phường) gặp tình trạng quá tải. Hệ lụy là nhân viên y tế kiệt sức, “cả trạm F0”, trong khi người dân cũng rất khó khăn để tiếp cận lực lượng y tế. Vậy khi dịch đang trên đà đi xuống, nên có những sự chuẩn bị thế nào để tránh lặp lại tình trạng đó nếu xuất hiện đợt dịch mới?
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng số lượng nhân lực của y tế tuyến cơ sở vốn theo chuẩn mực từ trước tới nay. Khi dịch bùng phát, họ “cáng đáng” thêm nhiều nhiệm vụ dẫn tới quá tải. Nhưng nếu dịch bệnh giảm dần, mọi công việc trở về bình thường, số biên chế như vậy là phù hợp.
Bởi vậy, theo PGS, nên có chính sách chế độ để đào tạo, phát triển nguồn lực bác sĩ gia đình. Hệ thống này là lực lượng tốt để trực tiếp điều trị, quan tâm đến từng gia đình, từng F0, khám chữa bệnh theo yêu cầu, phục vụ người bệnh tận nhà; còn y tế xã phường chủ yếu hoạt động theo tính chất y tế công cộng, làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh.
Y tế phường tại Hà Nội tới phát thuốc cho 1 gia đình F0 |
Tại các nước có nền y tế phát triển, lĩnh vực bác sĩ gia đình đã khá phổ biến, nhưng với người dân Việt Nam vẫn còn khá mới lạ. Họ có thể hoạt động tự do, cũng có thể tham gia vào một mạng lưới, phòng khám tư nhân,…
“Hiện nay ở Việt Nam, lực lượng này còn rất ít. Bác sĩ gia đình cần được đào tạo theo ngành riêng, là một chuyên khoa độc lập. Họ cũng học trường y như các chuyên ngành khác, là bác sĩ đa khoa nhưng công việc gắn với từng hộ dân nên sẽ đảm bảo được việc chăm sóc sức khỏe cho từng F0”, PGS Nga cho hay.
Theo ông, để phát huy tốt nhất lực lượng này, về cách tổ chức cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hài hòa được giữa hệ thống y tế cơ sở đang có và hệ thống y tế gia đình. Bên cạnh đó, có chính sách đào tạo và có cơ chế cụ thể, hợp lý cho lực lượng y tế gia đình.
Nguồn:L vietnamnet