Grab Việt Nam cho biết, buổi làm việc của doanh nghiệp này với cơ quan thuế ngày 9/12 đã không đạt được một kết quả tích cực nào, trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế GTGT theo quy định mới của Nghị định 126.

Grab Việt Nam: Tổng cục Thuế không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế giá trị gia tăng

Grab Việt Nam: Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế

Tối 9/12, Grab Việt Nam đã có những phản hồi với ICTnews những thông tin đầu tiên sau buổi làm việc với đại diện Tổng cục thuế tại Hà Nội, về những vướng mắc trong Nghị định 126.

“Chúng tôi hết sức thất vọng, bởi kết quả làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào. Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Chúng tôi rất bức xúc về yêu cầu của Tổng cục Thuế muốn tăng mức thu thuế đối với doanh thu của đối tác tài xế từ 3% lên 10%, dù biết rằng các đối tác tài xế này không có khả năng khấu trừ GTGT đầu vào, nhưng Tổng cục Thuế không có sự giải thích rõ ràng, mà dựa vào những luận điểm rất không nhất quán”, phía Grab Việt Nam cho biết.

Hai điểm được Grab đưa ra cụ thể là: “Tổng cục Thuế hôm nay tự khẳng định rằng, tài xế xe ôm công nghệ là người lao động của Grab và không phải chịu thuế GTGT cho khoản doanh thu của mình. Tuy nhiên, trước đây (theo Công văn 384/TCT-TNCN ngày 08/02/2017), Tổng cục Thuế đã hướng dẫn rằng khoản doanh thu từ hoạt động hợp tác kinh doanh phải được phân định cho hai chủ thể: Phần doanh thu của Grab phải chịu thuế GTGT 10%; còn phần doanh thu của đối tác tài xế xe hai bánh phải chịu mức thuế 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh. Văn bản này của Tổng cục Thuế đã phân loại tài xế xe hai bánh là cá nhân kinh doanh và là Người nộp thuế theo Điều 4 Luật Thuế GTGT”.

Theo quy định của Nghị định 126, doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo mức chung của tổ chức là 10%.

“Chúng tôi cũng hiểu rằng, Nghị định 126 nói trên chỉ điều chỉnh thủ tục và phương pháp kê khai, nộp thuế; còn việc xác định những đối tượng nào phải nộp thuế, người nộp thuế – chịu thuế GTGT, thì phải căn cứ vào Luật thuế GTGT”, đại diện Grab Việt Nam chia sẻ. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng cho biết: “Chúng tôi rất quan ngại rằng, cách giải thích của Tổng cục Thuế về việc công ty Grab phải chịu hoàn toàn nghĩa vụ nộp thuế với tư cách là người nộp thuế cho toàn bộ doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu của đối tác tài xế là không phù hợp với Luật thuế GTGT”.

Đại diện Grab cũng cho biết, sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ Nghị định 126, Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế và các công văn hướng dẫn của cơ quan thuế. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng gửi văn bản đến các cơ quan quản lý để chờ được hướng dẫn rõ ràng hơn từ cơ quan thuế.

Về phía cơ quan thuế, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế đối với các đối tác tài xế của Grab. Grab Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với cuộc đình công trên diện rộng của các đối tác tài xế, nhất là các tài xế xe hai bánh GrabBike, khi cho rằng mức khấu trừ mới của Grab là không công bằng với các tài xế.

Ngày mai, lãnh đạo Grab Việt Nam sẽ có buổi đối thoại trực tiếp với các tài xế để giải đáp thắc mắc xung quanh mức khấu trừ mới do ảnh hưởng của Nghị định 126 và các vấn đề liên quan. ICTnews sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : cắt giảm sếp phó Tổng cục Thuếchịu thuếGrabTổng cục thuế

Các tin liên quan đến bài viết