Chủ nghĩa quan liêu sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền, đặc lợi, là miếng đất dung dưỡng nạn tham nhũng lãng phí.

Tại hội nghị lấy ý kiến các Hội đồng tư vấn của MTTQ đối với các dự thảo văn kiện Đại hội XIII vào hôm 28/10, PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho rằng, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng nhiệm kỳ qua cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: Chủ nghĩa quan liêu dung dưỡng nạn tham nhũng
Ảnh

Không xem nhẹ chống tham nhũng vặt

Đó chính là chủ nghĩa quan liêu. Chủ nghĩa quan liêu sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền, đặc lợi, là miếng đất dung dưỡng nạn tham nhũng lãng phí.

Bên cạnh đó, trong cuộc chống tham nhũng cần kiên quyết xử lý những vụ tham nhũng lớn, nhưng không xem nhẹ chống tham nhũng vặt. Tuy là tham nhũng vặt nhưng ảnh hưởng nhức nhối đối với cuộc sống hàng ngày của người dân và lòng tin của họ không hề nhỏ, nếu để tích tụ lâu ngày thì hậu quả sẽ lớn.

“Phải chăng chúng ta mới dừng việc chống tham nhũng vặt ở việc giáo dục, vận động,… mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào hơn về mặt pháp lý”, ông Trần Hậu nói.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: Chủ nghĩa quan liêu dung dưỡng nạn tham nhũng
PGS.TS Trần Hậu

Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào Phạm Xuân Sơn đề nghị cần phải có một mục riêng hoặc một phần riêng đánh giá về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng. Các đại hội lần trước cũng đã nhận diện ra nguy cơ tham nhũng.

Mặc dù đến nay chưa thể làm cho những người thoái hóa “không dám tham nhũng”, “không muốn tham nhũng”, “không thể tham nhũng” nhưng rõ ràng những kết quả đạt được trong  nhiệm kỳ này là rất ấn tượng. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của toàn đảng toàn dân đối với Đảng và Nhà nước.

Theo ông Sơn, trong phần dự thảo báo cáo chính trị có đưa nội dung chống tham nhũng vào một mục trong công tác xây dựng Đảng nhưng còn mờ nhạt. Trong khi đó, điều mà dư luận hân hoan nhất, phấn khích nhất chính là chống quốc nạn tham nhũng.

“Dư luận, người dân mong muốn trong kỳ Đại hội tới công tác phòng chống tham nhũng cần tiếp tục triển khai quyết liệt, toàn diện và cũng mong những người có bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, liêm khiết, tâm huyết, kiên quyết, kiên trì với cuộc chiến này”, ông Sơn nhấn mạnh.

GS. Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để chống tham nhũng thành công, phải kiểm soát quyền lực thật tốt. Bên cạnh đó, cần có chế tài thật rõ, thật nghiêm về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, phải thu hồi triệt để thì mới ngăn chặn được tham nhũng.

Ông Lý cũng đề nghị, dự thảo văn kiện cần có cơ chế để người dân làm chủ cũng như làm rõ vai trò của Mặt trận trong việc phát huy quyền làm chủ của dân. Đặc biệt, cần mở rộng phạm vi, vai trò của Mặt trận nhất là trong hoạt động giám sát phản biện xã hội để Mặt trận làm hết khả năng, năng lực của mình trong hiện nhiệm vụ của Đảng giao.

Phải đặt tòa án vào trọng tâm của cải cách tư pháp

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, cho rằng trong dự thảo Báo cáo Chính trị, vấn đề cải cách tư pháp được đề cập chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực thi Hiến pháp 2013.

“Báo cáo Chính trị và sau đó là Nghị quyết Đại hội XIII cần phải làm mọi cách để cải cách tư pháp phải đúng trọng tâm, trọng điểm là hướng tới tòa án”, GS Hạnh đề nghị.

Góp ý Văn kiện Đại hội XIII: Chủ nghĩa quan liêu dung dưỡng nạn tham nhũng
GS.TS Lê Hồng Hạnh

Vì vậy Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng XIII cần phải làm thế nào để đặt tòa án vào trọng tâm của cải cách tư pháp. Trong tòa án thì vị trí độc lập của thẩm phán, độc lập của hoạt động xét xử được coi là linh hồn của cải cách tư pháp và phải tìm mọi cách, mọi phương thức để đảm bảo được điều đó.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN cho rằng, nhiều ý kiến nói độc lập tư pháp là “tam quyền phân lập”, làm ảnh hưởng tới tính thống nhất quyền lực của nhà nước, làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng là không đúng. Ngược lại, nếu Đảng tạo dựng được trong thể chế nhà nước một hệ thống tòa án nghiêm minh, công lý, công bằng thì vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ tốt hơn.

Để có được những thẩm phán độc lập, theo GS Hạnh cần phải lựa chọn, bố trí những người có nghề thực sự và chuyên tâm vào việc mang lại công lý cho người dân.

Các dự thảo văn kiện Đại hội XIII đang được lấy ý kiến gồm:

– Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng

– Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030

– Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025

– Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chống tham nhũngĐại hội ĐảngĐại hội XIIItham nhũngvăn kiện đại hôik

Các tin liên quan đến bài viết