Nhiều bang của Mỹ do Texas dẫn đầu ngày 16-12 (giờ Mỹ) khởi kiện Google lợi dụng thế độc quyền để loại bỏ cạnh tranh nhằm thu lợi quảng cáo và gây hại cho người dùng Internet. Lần này, Google bị cáo buộc đã bắt tay với đối thủ mạnh là Facebook.
Đơn kiện mới nhất của 10 bang Mỹ là vụ kiện lớn thứ hai nhắm vào gã khổng lồ công nghệ Google trong vòng hai tháng qua. Trước đó, hồi tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ cùng với 11 bang cũng đệ đơn kiện tương tự, cáo buộc công ty này độc quyền thị trường tìm kiếm trên mạng. Nhưng sức ép dường như sẽ không dừng lại.
Bắt tay với đối thủ
“Google liên tục sử dụng thế độc quyền để kiểm soát việc định giá (quảng cáo) và tham gia cấu kết để dàn xếp đấu giá, vi phạm công lý nghiêm trọng” – tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton thông báo về vụ kiện nhắm vào thị trường quảng cáo.
Tham gia đơn kiện cùng Texas là các bang Arkansas, Idaho, Indiana, Kentucky, Mississippi, Missouri, North Dakota, South Dakota và Utah. Tổng chưởng lý bang Texas cho biết Google lợi dụng ưu thế của mình để phục vụ việc quảng cáo cũng như tìm kiếm trực tuyến.
Cụ thể, việc Google tham gia nhiều bước trong chuỗi lợi ích phức tạp giữa các nhà xuất bản trực tuyến và nhà quảng cáo cho phép công ty này kiểm soát việc sinh lời từ nội dung tìm kiếm.
Thuật toán của Google không chỉ tìm kiếm mà còn xác định những kết quả nào sẽ được trả về và quảng cáo nào sẽ được hiển thị. Công cụ mua bán quảng cáo trực tuyến DoubleClick, vốn thuộc sở hữu của Google từ năm 2008, cũng giúp Google thêm quyền lực.
Google cũng phát triển sàn mua bán quảng cáo cho phép các bên giao dịch tự động tương tự như chứng khoán.
Theo đơn kiện, Google sử dụng các chiến thuật để loại bỏ cạnh tranh như thúc đẩy các bên quảng cáo lẫn xuất bản sử dụng công cụ và sàn mua bán quảng cáo của mình, tìm cách triệt tiêu những ý tưởng cạnh tranh.
Trong việc thông đồng với đối thủ lớn nhất là Facebook, ông Paxton nhắc đến việc mạng xã hội này năm 2017 tuyên bố ủng hộ cơ chế “đấu giá tiêu đề” – nền tảng cho phép các nhà quảng cáo đấu giá trên nhiều sàn cùng một lúc, vốn có thể cạnh tranh với Google.
Tuy nhiên, các tài liệu nội bộ cho thấy Facebook thực chất muốn bắt tay với Google và hai công ty sau đó đã thỏa thuận để dàn xếp các đấu giá quảng cáo.
“Không công bằng khi mà Google loại bỏ sự cạnh tranh và tự tôn mình đứng đầu trong quảng cáo trực tuyến” – ông Paxton nói, đồng thời cho rằng “những hành động này gây hại cho mọi người Mỹ”.
Đơn kiện của Texas yêu cầu gã khổng lồ của Thung lũng Silicon phải đền bù thiệt hại và điều chỉnh cấu trúc – thường được hiểu là buộc một công ty phải từ bỏ một số tài sản – để khôi phục sự cạnh tranh thị trường. Thực tế, gã khổng lồ công nghệ này được dự báo sẽ chiếm khoảng 30% thị trường quảng cáo có tổng giá trị lên đến 42,4 tỉ USD ở Mỹ.
Gia tăng sức ép
Phản ứng sau đó, người phát ngôn của Google cho rằng các cáo buộc của bang Texas là vô căn cứ và chi phí quảng cáo giảm trong thời gian qua là bằng chứng cho sự cạnh tranh trong quảng cáo trực tuyến.
“Giá cả quảng cáo số đã giảm trong một thập niên qua. Chi phí công nghệ quảng cáo cũng giảm. Phí công nghệ quảng cáo của Google thấp hơn mức trung bình trong ngành”, Google khẳng định.
Các chuyên gia cũng cho rằng sẽ khó chứng minh được Google độc quyền vì phần lớn dịch vụ của họ là miễn phí. Ngoài ra, cũng chưa rõ bang Texas có bằng chứng mạnh về sai phạm trong thỏa thuận giữa Google và Facebook hay không.
Dù vậy, đơn kiện tiếp tục gây sức ép lên các gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Vụ kiện hồi tháng 10-2020 của Bộ Tư pháp và 11 bang được coi là vụ kiện lớn nhất của Chính phủ Mỹ với một hãng công nghệ, nhắm vào sự độc quyền của Google trên thị trường tìm kiếm.
“Nếu chính phủ không thực thi các luật chống độc quyền để tạo điều kiện cho sự cạnh tranh phát triển, chúng ta có thể đánh mất một thế hệ đổi mới công nghệ tiếp theo” – Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeff Rosen nói khi đó.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, theo Reuters, một nhóm 30 tổng chưởng lý các bang dự kiến nộp đơn kiện chống độc quyền thứ ba đối với Google trong ngày 17-12 (giờ Mỹ).
Đơn kiện tập thể do Texas dẫn đầu cũng là vụ kiện thứ 4 đối với các công ty công nghệ lớn, trong bối cảnh chính quyền Mỹ ngày càng lo ngại trước sự lớn mạnh của những gã khổng lồ.
Trong tháng 12-2020, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) và 48 tổng chưởng lý cáo buộc Facebook độc quyền. Trước đó, vào tháng 7-2020, lãnh đạo các công ty Facebook, Amazon và Apple đã phải điều trần trước Tiểu ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ.
Nguồn: tuoitre.vn