Gia đình đơn chiếc, mẹ lại mang trong mình nhiều căn bệnh không biết sẽ ra đi lúc nào, mọi gánh nặng mưu sinh nặng trĩu trên đôi vai em Lê Thị Kim Tú từ năm em 12 tuổi.

Gồng gánh gia đình từ thuở 12 - Ảnh 1.

Hoàn cảnh khó khăn Tú phải một buổi đi học một buổi làm thuê nhưng 9 năm liền em đều là học sinh giỏi 

Cô học trò hiếu thảo 

Bà Nguyễn Thị Liệp (55 tuổi) – mẹ Kim Tú – xúc động: “Cách đây 3 năm, lúc đó con Tú mới học lớp 8 là tui bệnh nặng. Con nhỏ đi học mà giờ ra chơi nào cũng về coi tui có mệt nhiều không. Mặc dù nó có nhờ hàng xóm coi chừng tui nhưng không về nó không yên tâm đi học tiếp”.

Xóm này ai chứ con Tú ai cũng thương. Từ lúc mẹ bệnh nó không ngại cực nhọc đi làm thuê cho người ta. Ai kêu gì cũng làm. Tui thấy nó đi làm mà đầu không khăn, không nón tui la nó kêu kệ dì Út ơi con phải làm lo cho mẹ con”.

Bà Ngưng (hàng xóm của Kim Tú)

Trong căn nhà ở khu dân cư xã An Phong, bà Liệp gương mặt nhợt nhạt, thở dốc. Căn bệnh hở van tim 3 lá, tràn dịch màn phổi, bướu ác tính,… rút cạn sức lực của người phụ nữ kém may mắn này.

Cách đây 10 năm, hôn nhân của bà Liệp không thể cứu vãn, bà dắt theo con gái mưu sinh bằng nghề bán quán nước. Cuộc sống dù chẳng dư dả nhưng là quãng thời gian hai mẹ con Kim Tú hạnh phúc nhất. Bất ngờ năm 2014 bà Liệp ngất xỉu trong lúc đang làm thuê ngoài đồng.

 Sau khi vào bệnh viện, bà Liệp như chết điếng khi bác sĩ thông báo cơ thể bà mắc một loạt các bệnh hiểm nghèo. Vừa chạy chữa thuốc men vừa phẫu thuật bà Liệp nợ nần không ít. Không thể cầm cự bà xin bác sĩ cho xuất viện rồi hàng tháng bắt xe lên bệnh viện xin thuốc uống chống chịu tới đâu hay tới đó.

Với bà Liệp niềm hạnh phúc cũng là nỗi dằn vặt tâm can bà là đứa con gái còn thơ dại. Bệnh trở nặng khiến bà sống trong đau đớn mỗi ngày. Thấy con phải chật vật mưu sinh bà Liệp thầm trách bản thân chỉ là gánh nặng nhưng con đã sớm thiếu vắng tình thương của cha, chỉ còn mình mẹ là chỗ dựa.

“Thấy con Tú biết nghĩ lại rất hiếu thảo tui mừng lắm nhưng không biết tui còn sống được bao lâu. Con còn nhỏ quá tui mà có bề gì…” – bà Liệp giọng nghẹn lại bỏ dỡ câu nói.

Bà Trần Thị Ngưng, hàng xóm của bà Liệp, tấm tắc khen Kim Tú vừa là đứa nhỏ hiếu thảo, chăm làm mà lại học giỏi.

“Xóm này ai chứ con Tú ai cũng thương. Từ lúc mẹ bệnh nó không ngại cực nhọc đi làm thuê cho người ta. Ai kêu gì cũng làm. Tui thấy nó đi làm mà đầu không khăn, không nón tui la nó kêu kệ dì Út ơi con phải làm lo cho mẹ con” – bà Ngưng kể.

Gồng gánh gia đình từ thuở 12 - Ảnh 3.

Lê Thị Kim Tú vừa là lao động chính trong nhà vừa chăm sóc mẹ bệnh nặng

“Con sẽ không bỏ cuộc”     

Về phần Kim Tú, ngoài chăm mẹ cơm nước, thuốc thang em còn trông quán nước kiếm đồng ra đồng vô. Trên gương mặt sạm đen Tú chia sẻ: “Cũng may mùa hè rồi em đi làm thuê để dành được 1,5 triệu, mong là đủ cho mẹ đi khám bệnh mấy tháng tới”.

“Mẹ yên tâm. Con sẽ ráng học. Con sẽ không bỏ cuộc”.

Lê Thị Kim Tú

Làm mướn khắp từ đầu trên đến xóm dưới đã trở thành công việc thường nhật của Kim Tú. Mấy năm học cấp 2, một buổi đi học, một buổi Tú đi làm thuê, buổi tối thì lặt ớt, tiền công 1.000 đồng/kg.

Bằng sức khỏe của cô học trò 15 tuổi, Kim Tú kiếm được dăm chục ngàn mỗi ngày. Tháng nào “ế” không ai thuê gì hai mẹ con Kim Tú lâm vào cảnh túng quẫn phải cậy nhờ sự giúp sức của chòm xóm và các nhà hảo tâm.

“Ở đây nhờ chòm xóm thương, cũng chạy qua chạy lại coi sóc tui trong lúc con Tú đến lớp. Gạo cũng được nhà hảo tâm tới lui cho dăm ba ký. Đắp đổi hai mẹ con cũng sống tạm qua ngày” – bà Liệp kể bằng giọng thều thào.

Thấy bà Liệp hay u sầu ngược lại Kim Tú lại là người khá mạnh mẽ và luôn làm mẹ vui. Mỗi đêm Tú thường dành thời gian kể chuyện học ở trên lớp, xoa tay, bóp chân, rồi em thủ thỉ: “Mẹ yên tâm. Con sẽ ráng học. Con sẽ không bỏ cuộc”.

Mọi công việc trong nhà từ việc nhỏ đến việc lớn Tú đều giành làm hết. “Vào mùa ớt em lãnh ớt về lặt. Thường thì 10g tối sẽ xong. Em học bài từ 11 đến 12 giờ rồi đi ngủ. Sáng em dậy sớm nấu cơm hoặc cháo cho mẹ rồi em đi học” – Tú kể.

Sang năm mới Tú vào lớp 10 Trường THPT Thanh Bình 1. Nhà các xa trường hơn trước lại học hai buổi nhưng Tú đã có kế hoạch công việc sẵn trong đầu. “Em tranh thủ học về là lặt ớt liền. Vừa lặt vừa tranh thủ ôn bài. Cuối tuần em đi làm thuê” – Tú kể tiếp.

Dù thời gian dành cho việc học không nhiều nhưng cả chín năm học liền Tú đều là học sinh giỏi. Với mẹ con bà Liệp có khó khăn hơn nữa thì việc học của Tú vẫn không thể dang dỡ.

Bà Liệp động viên con học tốt để thoát kiếp nghèo, còn với cô học trò lớp 10 con đường học vấn cũng là bước đường duy nhất giúp em có thể chữa trị bệnh cho mẹ.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng “Đèn đom đóm”, trị giá 3 triệu đồng/suất.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chăm sócĐèn đom đómgồng gánhhọc bổnglao động

Các tin liên quan đến bài viết