Tháng 10.2018, nhiều báo  đài đã đăng vụ phá rừng xảy ra tại khoảnh 7, tiểu khu 363, Nông lâm trường Tân Lập- Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước, trong đó đặt nghi vấn thủ phạm phá rừng đã chặt hạ một cây cày cổ thụ kề sát bìa rừng… Nhưng nay, sau 4 tháng điều tra xác minh vụ phá rừng thì bất ngờ, gốc cây cày trên đã bị ai đó… đốt cháy suốt nhiều ngày qua.

Cụ thể, theo hình ảnh, video do các phóng viên trực tiếp vào hiện trường ghi lại, gốc cây cày có đường kính 2,5m đã bị thủ phạm chặt hạ chưa rõ vào thời điểm nào. Nhưng tại thời điểm đầu tháng 10.2018, vỏ gốc cây cày vẫn còn tươi nguyên, rỉ nhựa…, vì vậy, có người cho rằng, thủ phạm đã chặt hạ cây cày cổ thụ trong vài tháng gần đây…

Tới khi xảy ra vụ “lâm tặc” vào khu rừng cạnh bên chặt hạ 24 cây rừng, báo chí phanh phui, mọi người mới phát hiện thêm nhiều gốc cây to lâu năm (trong đó có gốc cày trên) đã bị chặt hạ, với vết cưa vẫn còn tươi.

Hiện gốc cày đã bị đốt trong mấy ngày qua. Ảnh: Đ.LHiện gốc cày đã bị đốt trong mấy ngày qua. Ảnh: Đ.L

Sau 4 tháng xác minh điều tra, Công an huyện Đồng Phú cho biết: Người phá rừng tên Nguyễn Đặng An đã ra đầu thú, thừa nhận chặt hạ 24 cây rừng về làm chuồng bò, chuồng gà… Còn cây cày (kơ nia) trên là do Công ty Hồng Phúc chặt hạ từ năm… 2016, theo giấy phép của Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước cấp ngày 14.3.2016, trong Dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su…

Câu hỏi đặt ra, nếu cây cày được Công ty Hồng Phúc chặt hạ hợp pháp từ tháng 3.2016 thì tại sao đến tháng 10.2018 (tức là sau 24 tháng), khi vụ chặt phá 24 cây rừng xảy ra, vỏ gốc cây cày vẫn còn tươi nguyên, đang rỉ nhựa ? Công an huyện Đồng Phú đã  làm rõ chi tiết này chưa?

Hiện trạng gốc cày vào tháng 10.2018, còn tươi, chưa bị đốt. Ảnh: H.HHiện trạng gốc cày vào tháng 10.2018, còn tươi, chưa bị đốt. Ảnh: H.H

Trong khi đó, dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước “giơ cao, đánh khẽ” một số cá nhân sai phạm trong vụ việc này.

Ông Trần Đức Lý (sinh 1974, trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) là người đứng ra tố cáo hiện tượng phá rừng, tố cáo các sai phạm về quản lý, sử dụng đất rừng tại tiểu khu 363 cho biết: “Tôi đã cung cấp rất nhiều bằng chứng với cơ quan chức năng rằng, hành vi phá rừng không chỉ chặt hạ 24 cây rừng mới đây. Hơn thế, hành vi phá rừng diễn ra suốt thời gian dài, bất chấp lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 7.2016. Sau lệnh đóng cửa rừng, diện tích rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 363 vẫn còn nhiều.

Nhưng lợi dụng Dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt, đơn vị tận thu, khai thác lâm sản tại dự án này vẫn phá rừng, khiến diện tích rừng bị thu hẹp và đất rừng sau khai thác đã được sang nhượng giấy tay cho nhiều cá nhân trồng điều – trái với mục đích của dự án là trồng caosu”.

Ông Lý cho rằng, lẽ ra công an phải giám định xem gốc cây cày trên đã bị cưa hạ vào thời điểm nào. Nếu gốc cây cày kia bị chặt hạ gần đây (vì vết chặt còn tươi), thì phải tính gốc cây trên cùng với 24 cây rừng bị chặt hạ trong vụ phá rừng.

Nếu như vậy thì vụ phá rừng sẽ phải khởi tố hình sự, xử lý theo quy định của luật pháp, chứ không thể “giơ cao đánh khẽ” xử phạt thủ phạm Nguyễn Đặng An vỏn vẹn… 40 triệu đồng.

Hình ảnh gốc cày đã bị huỷ hoại, mất dấu vết nghi vấn phá rừng gần đây. Ảnh: T.Đ.L

Theo Lao động

Từ khóa : chặt câychặt rừngphá rừngphi tang

Các tin liên quan đến bài viết