Ngày 27/4/2016, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-STTTT đình chỉ thực hiện dịch vụ bưu chính tiếp nhận và chuyển phát hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel với lý do, dịch vụ này chỉ do doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện.
Tổng Công ty CP Bưu Chính Viettel cho rằng, Quyết định nêu trên của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước là không đúng quy định của pháp luật.
Qua Hệ thống tiếp nhân, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng Công ty CP Bưu Chính Viettel đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp, Tổng Công ty có được phép cung cấp dịch vụ tiếp nhận và chuyển phát hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính không?
Bộ Tư pháp trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 2, Điều 32 Luật Bưu chính năm 2010 giao: “Thủ tướng Chính phủ chỉ định doanh nghiệp bưu chính Nhà nước quản lý mạng bưu chính công cộng và thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo nhiệm vụ, kế hoạch mà Nhà nước giao”.
Căn cứ quy định trên, ngày 3/8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 41/2011/QĐ-TTg về việc chỉ định doanh nghiệp thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ bưu chính quốc tế.
Điều 1 của Quyết định nêu trên chỉ định Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam là doanh nghiệp thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng; cung ứng dịch vụ công ích theo nhiệm vụ, kế hoạch mà Nhà nước giao; cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế và các dịch vụ khác trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về bưu chính mà Việt Nam là thành viên.
Như vậy, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam là doanh nghiệp bưu chính duy nhất được chỉ định, ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.
Theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5, Điều 3 Luật Bưu chính thì “Dịch vụ bưu chính công ích là dịch vụ bưu chính được cung ứng theo yêu cầu của Nhà nước, gồm dịch vụ bưu chính phổ cập, dịch vụ bưu chính phục vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ đặc thù khác” và “Dịch vụ bưu chính phổ cập là dịch vụ bưu chính được cung ứng thường xuyên đến người dân theo các điều kiện về khối lượng, chất lượng và giá cước do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định”.
Theo Khoản 1, Điều 2 Quyết định số 45/2015/QĐ-TTg ngày 24/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng dịch vụ bưu chính và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí thì “Dịch vụ bưu chính phổ cập là dịch vụ thư cơ bản, có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 2 kg”.
Theo các quy định trên thì dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính là một loại dịch vụ bưu chính phổ cập.
Việc gửi và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính
Căn cứ Khoản 4, Điều 3 và Khoản 2, Điều 32 Luật Bưu chính, ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Điều 1 Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg xác định phạm vi điều chỉnh như sau:
Quyết định này quy định việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
Quyết định này không điều chỉnh việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với thủ tục hành chính yêu cầu tổ chức, cá nhân không được ủy quyền và phải có mặt trực tiếp để giải quyết.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính lựa chọn doanh nghiệp bưu chính không phải là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển phát hồ sơ đến cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước giải quyết thủ tục hành chính thì cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Điều 5 về các hình thức thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích của Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg quy định: “Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong các hình thức sau đây khi thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích:
1. Gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
Tổ chức, cá nhân có quyền (không phải nghĩa vụ) chọn dịch vụ bưu chính công ích để gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; có thể chọn một trong ba hình thức thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; nếu chọn dịch vụ bưu chính công ích thì phải thông qua Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam và phải tuân theo các quy định của Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg.
Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn bất cứ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nào để chuyển phát hồ sơ đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết thủ tục hành chính.
Như vậy, pháp luật không hạn chế bất cứ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nào, kể cả Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel trong việc chuyển phát hồ sơ theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết thủ tục hành chính.
Theo Tài chính