“Có giấy tờ đất cũng như không” – một nghịch lý đã và đang diễn ra tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP.HCM) được phó bí thư Huyện ủy Đoàn Thị Ngọc Cẩm nêu lên tại phiên họp HĐND TP lần 6 vừa qua.

Gỡ vướng pháp lý ranh rừng phòng hộ Cần Giờ: 20 năm vẫn một vòng luẩn quẩn - Ảnh 1.

Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ nhìn từ trên cao 

Đó là sự chồng chéo pháp lý về ranh rừng khiến người dân xã đảo nhiều năm qua muốn xây mới nhà, chuyển thừa kế, thế chấp làm ăn… đều không thể thực hiện.

Đưa toàn bộ xã đảo vào ranh rừng

Bắt chuyến đò từ bến Tắc Suất (Cần Giờ) qua xã đảo Thạnh An ngày giữa tháng 7, chúng tôi ghé vào chùa Hưng Lợi Tự để gặp ông Nguyễn Văn Lanh (73 tuổi), người được cho là dân cố cựu tại xã đảo này. Ông Lanh cho biết quãng đời gần trăm năm của ông đều gắn liền với nơi này. Cho đến năm 1991, thành lập rừng phòng hộ Cần Giờ theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về phê duyệt “Dự án tiền khả thi rừng phòng hộ môi trường TP.HCM”, toàn bộ xã đảo Thạnh An đều được đưa vào ranh rừng.

Một trong những hộ dân “trần ai” khi muốn sửa chữa nhà, ông Lê Hồng Phúc (60 tuổi) cho biết nhà ông đã xây dựng từ rất lâu, khi muốn cất mới cũng không được, chỉ có làm hồ sơ xin sửa chữa tạm thời. “Hiện tại cuộc sống của người dân gặp rất nhiều vướng mắc, bởi khi có người muốn kinh doanh làm ăn, cầm giấy tờ đất thế chấp ngân hàng lại không được hoặc sang nhượng, chuyển quyền sở hữu cũng không. Địa phương muốn phát triển ngành nghề nào, làm tới đâu là đụng ranh tới đó”, ông Phúc bức xúc kể.

Tréo ngoe hơn là trường hợp của bà Nguyễn Thị Liên (45 tuổi) vì muốn làm ăn kinh doanh tại xã đảo đã chuyển tiền mua nền đất tại đây, nhưng sau đó không thể sang tên chuyển nhượng vì thuộc ranh rừng. “Ban đầu tôi cầm bằng khoán nhà ở chỗ khác để mua nền nhà này, nhưng 2 năm qua giấy tờ đất vẫn chưa xong, tên thì chưa chuyển được, giờ xin thì người ta cứ kêu chờ quyết định. Nợ cũ thì cứ đòi, khiến mấy năm qua mình cũng không thể an tâm mà làm ăn”, bà Liên nói.

Chồng chéo pháp lý, đến bao giờ?

Khu dân cư tại xã Thạnh An (cù lao Phú Lợi) có diện tích 17,97ha, hiện có 1.017 hộ dân với 4.068 nhân khẩu sinh sống, trong đó có 807 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong 30,59ha đất rừng, có 3,42ha đất rừng xen cài trong khu dân cư trung tâm, còn lại là các cụm rừng không có hộ dân sinh sống và do Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ quản lý, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không chỉ xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ còn “ròng rã” kiến nghị đưa khỏi ranh rừng xã An Thới Đông với diện tích 39,58ha khi xã này cũng đã hình thành nhiều khu dân cư (Mút Bột, tiểu khu 5, Tắc Cá Cháy), trường học (An Thới Đông) và đất nuôi trồng thủy sản. Từ đó tổng diện tích đất mà huyện kiến nghị đưa khỏi ranh rừng là 73,21ha.

Ông Trần Văn Thanh – phó bí thư Đảng ủy xã Thạnh An – cho biết người dân xã đảo sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản hoặc làm muối. Sau khi được TP đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thì ai cũng đều mong muốn có được quỹ đất để phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng hiện nay đang vướng vào ranh rừng phòng hộ.

“Dần về sau này nguồn thu từ việc đánh bắt hải sản cũng không còn được như trước đây, nên trong đề án phát triển xã giai đoạn này, lãnh đạo xã muốn hướng đến việc phát triển du lịch, giải quyết lao động tại chỗ nhưng lại không có quỹ đất. Chỉ mong các đơn vị nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để xã đảo Thạnh An được đưa khỏi rừng, để người dân có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển về sau”, ông Thanh nói.

Theo phó bí thư xã, nơi này từng đối diện với nhiều cơn dông bão vào năm 1997 và năm 2006. “Sau cơn bão năm 2006, lãnh đạo TP xuống khảo sát và muốn di dời bà con vào đất liền, nhưng dân bám trụ sống với nghề biển họ quyết không rời đi. Sau đó TP mới triển khai đầu tư bờ kè đá để giữ đất, các chính sách an sinh xã hội cho địa phương, đến nay hầu như khí hậu, thời tiết cũng ôn hòa hơn”, ông Thanh cho hay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng cho rằng với vụ việc này cần thành lập tổ công tác gồm có 4 sở và huyện theo đúng kết luận của TP. Bởi theo ông, toàn bộ những kiến nghị này của huyện đã từng trình lên UBND TP và cũng đã được TP phê duyệt, thống nhất giao cho các sở ngành cùng với huyện để giải quyết.

“Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP về kế hoạch đầu năm vừa qua, tôi đã trình bày và TP cũng đã chỉ đạo rất rõ cho các sở ngành giải quyết vì đây là thẩm quyền riêng của sở ngành. Giờ khâu quan trọng nhất là sự phối hợp giữa các đơn vị với huyện thì mới giải quyết được. Hiện nay huyện đề xuất từng sở thì sở này qua sở kia, cứ vòng vòng mất rất nhiều thời gian”, ông Dũng nói.

Cần một “nhạc trưởng” gỡ nút thắt

Theo lãnh đạo huyện Cần Giờ, năm 2016 UBND TP có công văn 3901 về công bố hiện trạng rừng TP.HCM sau đợt tổng kiểm kê rừng. Trong đó TP đã phê duyệt kiến nghị đưa 73,21ha đất ở huyện ra khỏi ranh rừng và đề xuất tổng rà soát diện tích rừng.

Tại báo cáo ngày 8-5-2020, Sở NN&PTNT TP cho hay hiện nay trong ranh rừng phòng hộ Cần Giờ vẫn còn tồn tại nhiều loại đất nhưng không thuộc chức năng quản lý của chủ rừng theo quy định như: đất khu dân cư, đất trụ sở, đất sản xuất nông nghiệp, làm muối, … vấn đề này ảnh hưởng đến công tác quản lý rừng cũng như quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính quyền địa phương.

Qua đó, sở thống nhất với kiến nghị của UBND huyện về việc phải thực hiện tổng rà soát rừng phòng hộ Cần Giờ. Dù vậy, đến nay thủ tục hồ sơ vẫn còn vướng mắc chưa hoàn thành, người dân chẳng đặng đừng “cầm giấy tờ đất cũng như không”.

Chia sẻ về vấn đề này, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển nói: “Huyện mong muốn có một nhạc trưởng tổ chức cuộc họp chung để thống nhất phương án tham mưu UBND TP giải quyết dứt điểm vụ việc này”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Cần GiờRừng phòng hộ Cần Giờ

Các tin liên quan đến bài viết