Xã Đăng Hà có diện tích canh tác lúa nước nhiều nhất huyện Bù Đăng với 435 ha. Nếu có đủ nước để sản xuất 1 năm 3 vụ thì với 1 ha trồng lúa Đài thơm 8, năng suất 8 tấn/ha/vụ (giá hiện tại 7 triệu đồng/tấn) có thu trên 168 triệu đồng/năm. Nông dân trồng lúa sẽ thu nhập cao hơn cây lâu năm. Tuy nhiên, nhiều năm qua, trạm bơm cùng hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng chưa được đầu tư đồng bộ, là nguyên nhân chính khiến lộ trình xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Đăng Hà” – sản phẩm OCOP của xã – gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền và ngành liên quan.
Phát huy nội lực
Những ngày này, nông dân xã Đăng Hà đang tập trung thu hoạch lúa đông xuân niên vụ 2020-2021. Cánh đồng thôn 2 có diện tích lớn nhất xã với 162 ha. Toàn bộ diện tích đủ nước tưới nên nông dân canh tác thuận lợi. Anh Nông Văn Cường cho biết: “Gia đình tôi có 1,7 ha. Ruộng ở vùng trũng nên nông dân đắp đập giữ nước lại để sản xuất. Giống lúa Đài thơm 8 rất hợp với thổ nhưỡng nên cho năng suất khoảng 7,5-8 tấn/ha, cao hơn gấp rưỡi so với giống cũ”.
Nếu hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư đồng bộ, toàn bộ diện tích canh tác lúa nước ở xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng) sản xuất được 3 vụ/năm thì người dân nơi đây có thể làm giàu từ cây lúa nước
Canh tác thuận lợi, nhiều hộ đã mua sắm được phương tiện sản xuất cơ giới hỗ trợ, như máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp với nhiều công năng, tiện ích. Ông Bàn Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hà chia sẻ: Năm 2019, xã thành lập 2 tổ hợp tác sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ với 20 hộ tham gia. Các hộ được hỗ trợ về giống, khoa học – kỹ thuật từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ. Đây là tiền đề hình thành tư duy sản xuất theo hướng xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng vùng nguyên liệu, đưa lúa, gạo trở thành hàng hóa kinh doanh trên thị trường, giúp nông dân làm giàu.
Cuối tháng 3-2021, UBND huyện Bù Đăng chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện và UBND xã Đăng Hà tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Đăng Hà”. Hiện xã đã lựa chọn 40 hộ có ruộng gần nhau tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ (5 sào/hộ). UBND huyện bố trí kinh phí đầu tư giống, phân bón và khoa học – kỹ thuật… Người dân hy vọng, hệ thống thủy lợi sớm được nâng cấp đồng bộ để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Đăng Hà”. Từ đó, góp phần vào nâng cao giá trị sản xuất và xây dựng nông thôn mới. |
Cùng với đó, một số nông dân đã liên kết thành lập tổ hợp tác kinh doanh lúa gạo Đăng Hà. Qua đó, xây dựng nhà máy xay xát, thu mua toàn bộ lúa trên địa bàn xã để cung ứng ra thị trường. Anh Đinh Quang Thận, thành viên Tổ hợp tác thu mua, xay xát lúa gạo xã Đăng Hà cho biết: “Chúng tôi đã xúc tiến, quảng bá, giới thiệu và phân phối sản phẩm gạo Đăng Hà đến các thị trường trong và ngoài tỉnh. Gạo Đăng Hà được nhiều người ưa chuộng vì không dẻo, không khô, cơm có vị ngọt. Hiện chúng tôi đã cung cấp sản phẩm cho các đại lý bán gạo tại Bù Đăng, Đồng Xoài, Phước Long, Tây Ninh và cả thành phố Hồ Chí Minh”.
Vẫn chờ thương hiệu “Gạo sạch Đăng Hà”
Ông Lục Đức Lập, Phó chủ tịch UBND xã Đăng Hà cho biết: Trạm bơm xã Đăng Hà xây dựng từ năm 2003. Ban quản lý Vườn quốc gia Nam Cát Tiên đầu tư tài trợ. Ban đầu, trạm có 2 củ máy đặt nổi trên hệ thống đường ray để bơm nước vào cánh đồng Đăng Hà. Nhưng do thiết kế hệ thống máy bơm chưa khoa học nên máy không phát huy hết công suất. Từ khi một số nhà máy thủy điện phía thượng nguồn sông Đồng Nai chặn dòng thì mực nước sông bị cạn…
Do mương dẫn nước thấp hơn mặt ruộng nên bà La Thị Lan, thôn 2, xã Đăng Hà phải dùng những miếng gỗ và bao tải đất đặt dưới lòng mương để nước dâng lên chảy vào ruộng
Nghịch lý mùa mưa nước sông dâng cao, ống bơm tiếp cận được nước sông thì cánh đồng lại không cần nước. Trong khi mùa nắng, nông dân cần nước thì hệ thống bơm lại nằm phơi nắng, rỉ sét. Năm 2012, để đáp ứng nguồn nước sản xuất, UBND tỉnh đã đầu tư thêm 3 máy bơm chìm đặt dưới lòng sông. Tuy nhiên, quá trình vận hành, do tác động của dòng chảy, đất đá bồi lấp nên máy bơm số 1 và số 2 đã hư hỏng. Do vậy, việc cung cấp nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống mương dẫn nước ra đồng được xây dựng 18 năm qua cũng rất bất cập. Đa số lòng mương sâu hơn mặt ruộng khiến nông dân khó lấy nước vào canh tác.
Từ tháng 6 dương lịch hằng năm, ở đây bắt đầu ngập, không làm được, nông dân phải bỏ đến tháng 10 mới sạ lại. 2 vụ mùa khô lại thiếu nước nên rất khó sản xuất. Mong Nhà nước đầu tư kênh mương thủy lợi để cánh đồng lúa phát huy hiệu quả. |
Anh Trương Văn Hành thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng |
Gia đình bà La Thị Lan ở thôn 2 có 5 sào ruộng. Dù ruộng sát hệ thống kênh mương nhưng nhà bà phải thường xuyên dùng những tấm gỗ, bao tải đất đặt dưới lòng mương để nước dâng lên chảy vào ruộng. “Các cụ xưa có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” ý nói là nước rất quan trọng, đặc biệt khi lúa làm đòng, trổ bông, phơi màu cần nhiều nước hơn. Nếu thiếu nước, hạt lúa không mẩy, gạo không ngon” – bà Lan nói.
Nông dân xã Đăng Hà đa số là dân tộc Tày, Nùng từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp. Trong quá trình sản xuất, bà con thường chia sẻ, hỗ trợ khoanh vùng, đắp đập trữ nước và chia nhau sản xuất. Những hộ có điều kiện mua cơ giới cũng hỗ trợ những hộ khác cày bừa, tranh thủ nguồn nước. Dù vậy vẫn không khắc phục được khó khăn. Chỗ nào còn nước thì bà con tranh thủ cày, bừa, gieo sạ. Diện tích làm được 3 vụ/năm rất ít, chủ yếu 1-2 vụ/năm.
Ông Đặng Đình Thuần, Chủ tịch Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước cho biết: “Chúng tôi đã và đang sửa chữa các củ máy bị hư hỏng, cải tạo một số đoạn kênh, nâng cao các đầu kênh để người dân lấy nước thuận lợi hơn. Hệ thống hiện đảm bảo cấp nước cho 70 ha lúa sản xuất 3 vụ/năm tại thôn 3 và thôn 4. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp huyện, xã và ngành liên quan hoàn thiện hệ thống kênh mương, sửa chữa máy bơm để nông dân sản xuất hiệu quả hơn”.
Theo Báo Bình Phước