Ấp Thanh Thịnh, xã Thanh Lương (Bình Long) có hàng chục héc ta đất trồng rau. Đây là vựa cung cấp rau chính cho các chợ ở thị xã Bình Long và các huyện lân cận. Những năm gần đây, diện tích rau giảm đáng kể do thời tiết diễn biến bất thường, chưa có chính sách hỗ trợ nông dân phù hợp, tổ hợp tác hoạt động cầm chừng, rau thu hoạch xong không có nơi tiêu thụ ổn định…

Nếu chất đất ở 2 ấp Thanh An, Thanh Bình, xã Thanh Lương phù hợp với các loại cây ăn trái thì ấp Thanh Thịnh lại thích hợp trồng các loại rau. Với diện tích đất ít, trồng rau là lựa chọn của nhiều hộ dân để cải thiện kinh tế và làm giàu.

Lợi thế sẵn có

Với 3,5 sào đất trồng rau quanh năm, gia đình ông Nguyễn Xuân Quang ở tổ 1, ấp Thanh Thịnh thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. 20 năm làm nghề trồng rau, ông Quang đã xây dựng thương hiệu riêng của gia đình, được thương lái chọn là địa chỉ thu mua tin cậy. Ông Quang cho biết: Ở đây chủ yếu là đất xốp nên phù hợp trồng rau. Trước kia, trồng rau ngoài trời năng suất không cao. Từ khi đầu tư lưới che, năng suất rau tăng gấp đôi. Tuy nhiên, khách hàng yêu cầu rau phải sạch, an toàn, do đó người trồng cần nâng cao chất lượng các loại rau cũng như kỹ thuật trồng. Từ khâu xuống giống, chọn phân chuồng cũng như thuốc bảo vệ thực vật, tôi đều xem xét kỹ nguồn gốc. Làm rau chỉ cần một khâu sơ sót coi như bỏ cả vườn. Uy tín cũng như chất lượng rau giảm là tự đánh mất khách hàng.

Có kinh nghiệm nhiều năm trồng rau nên ông Quang hiểu đặc thù từng mùa, tùy thời tiết mà chọn giống rau phù hợp cũng như chủ động nước tưới trong mùa khô. Vì vậy gia đình ông chưa bao giờ mất vụ rau.

Có truyền thống 3 đời làm nghề trồng rau ở ấp Thanh Thịnh, gia tài cha mẹ để lại cho anh Hoàng Thanh Tùng, tổ 2, là 4 sào rau bồ ngót khi anh lấy vợ ra ở riêng. Đến nay, anh Tùng đã mở rộng lên 6 sào gồm: 4 sào rau bồ ngót, 2 sào rau cải nhúng. Anh cho biết: “Bồ ngót cho thu hoạch quanh năm, không tốn nhiều công chăm sóc, chủ yếu là tưới nước, bón phân, theo dõi sâu bệnh. Để tránh lá bị xoăn, dày thì khâu chọn phân bón là quan trọng nhất. Rau bồ ngót nên bón phân bò ủ hoai mục, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Rau bồ ngót phát triển rất nhanh vào mùa khô, 1 tháng có thể thu hoạch 2-3 lần”.

Với chất đất màu mỡ, gốc rau bồ ngót nhà anh Tùng trồng 20 năm vẫn cho thu hoạch ổn định. Mỗi ngày, gia đình anh thu hoạch bình quân 1,5 tạ rau. Anh lý giải: Đất tốt nên chỉ cần bón thêm phân, tưới nước đầy đủ cây sẽ cho thu hoạch liên tục trong nhiều năm.

Để có rau chất lượng, các hộ trồng rau ở ấp Thanh Thịnh thực hiện tốt từ khâu vệ sinh, xử lý mầm bệnh trong đất trước khi gieo trồng. Đồng thời, xử lý sâu bệnh và chăm bón rau bằng thuốc vi sinh, bảo đảm thời gian cách ly ngắn, an toàn cho người tiêu dùng. Do đó, khi rau thu hoạch sạch cả về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và không có mầm bệnh.

Rau bồ ngót trên thị trường đang bán với giá 10 ngàn đồng/kg nhưng anh Tùng bỏ mối chỉ 5.000 đồng/kg vì không có mặt bằng tiêu thụ

Mong có mặt bằng tiêu thụ

Năm 2014, UBND xã Thanh Lương thành lập tổ hợp tác trồng rau tại ấp Thanh Thịnh, nhằm hướng tới quy hoạch vùng trồng rau chuyên canh, tạo điều kiện để các hộ liên kết trồng rau, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về kỹ thuật và đầu ra sản phẩm. Chủ trương này đáp ứng được sự kỳ vọng của nhiều hộ. 23 hộ trồng rau trong ấp hồ hởi tham gia. Tuy nhiên, hoạt động được 1 năm thì các hộ đều bỏ tổ hợp tác vì nhận thấy khi tham gia tổ, nông dân không được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay. Và đặc biệt nông dân cần nhất là mặt bằng tại khu vực chợ Thanh Lương để tiêu thụ rau nhưng lại không có.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Tổ trưởng tổ hợp tác chia sẻ: Lượng rau thu hoạch hằng ngày rất nhiều nhưng không có nơi để chúng tôi bày bán. Các sạp ở chợ Thanh Lương đều kín tiểu thương đăng ký. Chúng tôi phải dậy thật sớm, mang rau ra chợ từ 3 giờ sáng, 5 giờ phải dọn rau chất lên xe máy đi bán dạo để trả mặt bằng cho các tiểu thương. Người dân xã Thanh Lương muốn ăn rau sạch tại nơi mình trồng cũng khó, vì thương lái sau khi thu mua trộn lẫn với các loại rau nhập từ nơi khác về, rất khó phân biệt.

Từ đời cha, ông gia đình anh Tùng trồng rau đều theo kinh nghiệm. Anh muốn quy hoạch trồng rau sạch nhưng cái đang thiếu là kỹ thuật và vốn vẫn chưa được đáp ứng. Rau bồ ngót thị trường hiện bán giá 10 ngàn đồng/kg, nhưng anh bỏ mối chỉ bằng một nửa giá. Không có mặt bằng nên anh đành chịu bị thương lái ép giá chứ chở đi bán dạo chẳng được bao nhiêu.

Bà Phạm Thị Hồng ở tổ 3, ấp Thanh Thịnh cho biết: Khó khăn nữa của các hộ trồng rau ở ấp là đến mùa khô khu vực này thường bị thiếu nước tưới. Người dân phải đi mua nước tưới, làm nâng cao chi phí sản xuất cộng với khó khăn về nơi tiêu thụ khiến diện tích trồng rau ở Thanh Thịnh giảm đáng kể, từ 10 xuống còn khoảng 3 ha. Hiện các hộ trồng rau mạnh ai nấy làm, không có địa chỉ tin cậy để mua phân bón, thuốc trừ sâu. Những năm trước, nhiều hộ trồng rau ở đây mua phải phân bón giả khiến rau chết hàng loạt, thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

Với điều kiện sản xuất và tiêu thụ như hiện nay, để người trồng rau sống được với nghề, đồng thời phát triển vùng chuyên canh, rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, nhất là xây dựng vùng nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân ở xã nông thôn mới Thanh Lương.

Theo: BPO

Từ khóa : gỡ khónông dântổ hợp táctrồng rau

Các tin liên quan đến bài viết