Trận chiến chống lại đại dịch Covid-19 bước sang tháng thứ 21. Nhiều cán bộ y tế gần như kiệt sức, đã có người hy sinh để giành giật sự sống cho chúng ta.
Bảo vệ tấm lá chắn
Nếu tình hình còn kéo dài thêm nhiều tháng nữa, tôi e rằng những “tấm lá chắn” đầy nhiệt huyết, trách nhiệm và kinh nghiệm của đội ngũ y tế rất có thể bị xuyên thủng.
Bộ Y tế mới đây ra văn bản gửi đi các sở Y tế đề nghị nắm rõ tình hình để báo cáo với Bộ trước khi xem xét xử lý kể cả rút giấy phép hành nghề nếu thiếu tinh thần trách nhiệm lúc này.
Bác sĩ tại bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM. |
Trước khi thực thi văn bản này, các cấp cũng nên xem lại về chính sách lương bổng, phụ cấp đãi ngộ đối với đội ngũ này có gì bất cập không. Nhất là khi trong xã hội hiện tại, có những lực lượng công chức, viên chức lại được hưởng khoản phụ cấp khá cao, dễ tạo sự bức xúc khi phải so sánh.
Về cơ bản, cả lực lượng y tế của chúng ta, không chỉ ở các điểm nóng mà khắp cả nước đều đang gồng mình chiến đấu, giành lại sự sống cho người nhiễm dịch.
Tối 8/9, trên sóng VTV1, những thước phim phóng sự có tựa đề “Ranh giới” khiến nhiều người chảy nước mắt và thật sự nghẹn lòng trước biết bao cảnh cứu người kiên trì, bền bỉ của các thầy thuốc. Đội ngũ y tế tại những điểm nóng đang bị quá tải trầm trọng.
Tôi cũng từng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính không dưới một lần nhắc lãnh đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương quan tâm đến đời sống và chế độ bồi dưỡng nhân viên y tế sao cho họ đủ tái tạo sức lao động, tiếp tục phục vụ nhân dân.
Theo như tôi tìm hiểu thì hiện tại đang nảy sinh những nổi cộm nhất định.
Do hầu hết bệnh viện hiện nay đều hạn chế việc điều trị bệnh nhân tại bệnh viện nên nguồn thu gặp nhiều khó khăn. Nhiều bệnh viện đang ở thế chậm trả lương, cắt bớt phụ cấp. Tiền cũng không phải đã được ngân sách rót về ngay.
Nếu lực lượng chi viện TP.HCM chống dịch là người từ bệnh viện của các địa phương cử vào thì ít nhiều còn có lương. Còn sinh viên và các em mới tốt nghiệp bác sĩ, chưa có chứng chỉ hành nghề, em nào có hợp đồng với bệnh viện rồi thì có lương, mỗi tháng được hơn 3 triệu. Còn nếu chưa có tên trên hợp đồng bệnh viện, thì sẽ được 1 triệu hoặc ít hơn.
Ấy vậy mà vẫn rất nhiều em xung phong, tình nguyện. Người dân chúng tôi thật tự hào và cảm phục vì có những bạn trẻ bất chấp hiểm nguy, tiền lương không có như các em.
Một số bệnh viện chữa trị bệnh nhân nặng áp lực quá sức tưởng tượng. Thật nể trọng tinh thần thép vì người bệnh của đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế!
Xem xét chính sách đãi ngộ
Thông thường, nguồn thu của bệnh viện nằm ở các hoạt động khám chữa bệnh và hoạt động dịch vụ của bệnh viện. Tuy nhiên, kể từ khi có đại dịch xuất hiện, nhiều bệnh viện hạn chế với bệnh nhân khác nên nguồn thu giảm. Cán bộ nhân viên hưởng lương cơ bản theo chế độ nhà nước cộng với tiền trợ cấp tham gia chống dịch.
Theo chế độ, y, bác sĩ trong thời gian tham gia chống dịch được trợ cấp 300.000 đồng/ngày. Các y, bác sĩ sẽ làm việc luân phiên. Ví dụ, một người tham gia điều trị 14 ngày, nhận trợ cấp đủ 14 ngày, sau đó được luân chuyển ra cách ly tại bệnh viện 14 ngày, rồi về nhà nghỉ 7 ngày. Như vậy, 21 ngày không tham gia chống dịch, y bác sĩ sẽ không được hưởng trợ cấp gì.
Nhân viên y tế vận chuyển vật tư vào bệnh viện dã chiến tại TP.HCM. |
GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam kiêm Giám đốc bệnh viện Tuệ Tĩnh khi chứng kiến tình trạng các thầy thuốc và nhân viên ngành y làm việc quá tải, ông rất cảm thông.
GS Việt Bình cho rằng, hiện tượng quá tải ở các cơ sở y tế… cũng dễ chia sẻ và hiểu được. Tất nhiên vấn đề này cũng là khách quan, không một tỉnh, thành phố nào có thể có đủ cơ sở vật chất và nhân lực y tế khi đại dịch bùng phát lớn như vậy.
Bộ Y tế và Chính phủ đã huy động cán bộ quân, dân y và trang thiết bị y tế trong các đơn vị y tế, các cơ sở đào tạo của cả nước đến các điểm nóng là việc rất đúng và cần thiết. Chúng ta đã nhanh chóng thành lập nhiều bệnh viện dã chiến cho các tỉnh, thành phố có nhiều bệnh nhân. Điều đó góp phần quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và giảm áp lực cho những điểm nóng.
Tuy nhiên, lực lượng hỗ trợ vẫn không đủ và không đồng bộ. Lý do là nhân lực y tế các tỉnh, thành phố cũng chỉ có hạn mà ngay từ khi chưa có dịch xảy ra đã không hề dư dả gì.
Theo GS Việt Bình, đó là do những mặt trái của tư tưởng dịch vụ y tế đã bộc lộ rõ bản chất của nó sau nhiều năm qua. Các bệnh viện muốn sử dụng người nhà bệnh nhân, khoán sự chăm sóc điều dưỡng cho gia đình bệnh nhân. Họ không muốn thực hiện quy định tiêu chuẩn bác sĩ và điều dưỡng/giường bệnh. Mục đích cũng là để có thu nhập khá hơn mức lương nhà nước quy định nên có cảnh các bệnh viện không nhận đủ nhân viên y tế.
Rồi còn chuyện ngành y nghiêng về đào tạo bác sĩ đa khoa, ít đào tạo bác sĩ chuyên khoa trong các trường đại học (trừ bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ y tế dự phòng), các chuyên khoa thì thường để các viện, bệnh viện tự tổ chức đào tạo là chính.
Cuộc cải tổ thực sự
Theo GS Bình, đợt dịch này là dịp chúng ta nhìn thấy ngành Y tế nước nhà và cần có một cuộc cải tổ trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, trong việc đào tạo tại các trường đại học Y dược và đãi ngộ cán bộ y tế.
Nên thay đổi cách hiểu bệnh viện dịch vụ, coi bệnh nhân là khách hàng. Tăng cường bảo hiểm y tế về số lượng và về mức nộp, có hỗ trợ của nhà nước cho người nghèo, người thu nhập thấp, đủ cho nhu cầu điều trị, quan tâm chăm sóc đời sống lương, phụ cấp cho y tế công lập…
Cần chú trọng đào tạo một số chuyên khoa ngay trong đại học như hồi sức tích cực, mắt, tai mũi họng, nhi khoa, da liễu, sản phụ khoa… Đồng thời, các bệnh viện công lập bỏ các dịch vụ y tế. Phủ kín bảo hiểm y tế toàn dân. Tăng đầu tư trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất và tăng số nhân viên y tế ít nhất bằng các nước phát triển trong khu vực.
Điều chỉnh chỉ tiêu biên chế bệnh viện theo mức tăng dân số. Và điều chỉnh lương phụ cấp ngành y tế phù hợp chi phí, thời gian đào tạo, mức độ rủi ro nghề nghiệp phù hợp chủ trương “ngành y là một ngành đặc biệt, cần có một chế độ đãi ngộ đặc biệt”.
Đây là những vấn đề chiến lược, thậm chí tạo ra sự thay đổi cả ngành y tế và đào tạo cán bộ y tế. Từ đó mang lại hiệu quả cao cho việc chăm sóc nhân dân và biểu hiện được sự ưu việt của chế độ xã hội.
Đảng và Nhà nước đã xác định “chống dịch như chống giặc”, những người trong đội ngũ y tế ngày ngày tiếp cận với bệnh nhân nhiễm Covid-19, người viết bài này xin đề nghị Chính phủ xem xét một số vấn đề sau đây:
Xem xét, công nhận liệt sĩ với bác sĩ và nhân viên y tế đã qua đời trong quá trình bám trụ bệnh viện/bệnh nhân phục vụ. Hai trường hợp vừa được Bộ Y tế khẩn trương làm thủ tục để Chủ tịch nước xét công nhận liệt sĩ. Đó quả là nguồn an ủi rất lớn với cán bộ, nhân viên y tế nói chung. Tới đây, hy vọng sẽ được tiếp tục nếu không may vẫn còn có người nằm xuống.
Xem xét lại khoản thù lao đã cấp cho người tham gia tuyến đầu trong ngành y. Họ cần được một khoản phụ cấp nữa là phụ cấp độc hại như đã từng chi với người phục vụ trong chữa trị người bệnh truyền nhiễm, trong khu vực dùng hoá chất xạ trị chữa bệnh ung thư… Và mức phụ cấp này cũng nên thỏa đáng.
Với đội ngũ đã tham gia chống dịch trong ngành y gần 2 năm qua, nên chăng sau này khi tính chế độ bảo hiểm xã hội, họ cũng cần được nhân hệ số năm công tác cao hơn hệ số 1,0 so với các năm công tác bình thường.
Với đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế vừa ra trường, chưa được nhận vào biên chế thì sau này cũng nên cộng cả thời gian công tác mang tính chất tình nguyện này như năm công tác chính thức. Đồng thời, các trường hợp đóng góp tích cực thì nên tuyển dụng chính thức bởi họ đã được thử thách, tôi luyện sau “cuộc chiến”.
Và ngay lúc này, cần quan tâm bằng nhiều cách để hỗ trợ đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế có đủ sức khỏe, có tinh thần lạc quan nhất có thể. Qua đó giúp họ bền bỉ trụ vững tại tuyến đầu chống đại dịch bởi cuộc chiến chống đại dịch chưa có hồi kết.
Qua cuộc chiến căng thẳng đầy hiểm nguy gần 2 năm qua, tôi tin rằng trong xã hội ta, ai ai cũng thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông với các thầy thuốc và nhân viên y tế. Chúng ta hoàn toàn ủng hộ Nhà nước để sớm có những chế độ chính sách thỏa đáng, hợp lý đối với ngành y tế nước nhà.
Nguồn: vietnamnet