Nhiều người trẻ cho rằng thuốc lá điện tử thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống là một sự hiểu lầm tai hại.

BS Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết các công ty sản xuất thuốc lá điện tử đã chi khoản tiền khổng lồ cho việc quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút giới trẻ - Ảnh: H.HG

BS Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết các công ty sản xuất thuốc lá điện tử đã chi khoản tiền khổng lồ cho việc quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút giới trẻ

Thông điệp trên đã được các báo cáo viên đưa ra tại Hội nghị tập huấn giáo viên THCS, THPT về phòng, chống ma túy và các chất gây nghiện trong trường học.

Chương trình tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức từ ngày 22-11 đến cuối tháng 12-2023.

Thuốc lá điện tử được quảng cáo ra sao?

Theo BS Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, các công ty sản xuất thuốc lá điện tử đã chi khoản tiền khổng lồ cho việc quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút giới trẻ.

Trong đó, họ sử dụng những người nổi tiếng (KOLs) để quảng cáo, đăng ảnh sản phẩm, bài viết về thuốc lá điện tử trên mạng xã hội.

Những chiêu trò quảng cáo tinh vi như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với các loại thuốc lá thông thường…

“Từ đó, nhiều người trẻ đã có những hiểu lầm tai hại về thuốc lá điện tử. Đó là thuốc lá điện tử là hàng công nghệ với thiết kế thời trang hấp dẫn, thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống vì chứa ít nicotine, ít chất độc, có mùi hương dễ chịu, không hôi, không ám mùi… Nhưng sự thật là thuốc lá điện tử dễ gây nghiện, gây ung thư, gây kích ứng đường hô hấp…” – BS Đinh Thị Hải Yến cho biết.

Tương tự, ông Khắc Anh – bí thư Đoàn thuộc đội PC04, Công an TP.HCM – cũng thông tin: “Lực lượng công an đã phát hiện một số vụ như bỏ tinh dầu cần sa vào thuốc lá điện tử, tẩm ướp tinh chất ma túy trong thuốc lá điện tử…”.

Chú ý đến những học sinh nghiện game

Ông Dương Trí Dũng, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (bìa phải) tặng hoa cảm ơn các báo cáo viên tại buổi tập huấn ngày 22-11 - Ảnh: H.HG

Ông Dương Trí Dũng, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (bìa phải) tặng hoa cảm ơn các báo cáo viên tại buổi tập huấn ngày 22-11

Phát biểu tại hội nghị tập huấn, ông Dương Trí Dũng, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, nhấn mạnh: Hiện nay, học sinh, sinh viên đang trở thành đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng chất gây nghiện dưới các hình thức thực phẩm trá hình như kẹo, trà sữa hoặc dạng bóng cười, shisa, cỏ Mỹ, thuốc lá điện tử…

Trên thực tế, các trường học đã và đang làm khá tốt công tác phòng chống ma túy trong trường học. Trong thời gian tới, các thầy cô cần nắm được hoàn cảnh của từng học sinh để từ đó có thể tập trung chăm lo cũng như giáo dục các em có nguy cơ cao.

Ví dụ như học sinh có bố, mẹ đi làm ăn xa hoặc có liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, học sinh nghiện game…

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, học viên; xét nghiệm ngẫu nhiên việc sử dụng ma túy và xét nghiệm đột xuất khi có dấu hiệu nghi ngờ; tăng cường chất lượng sinh hoạt trong công tác phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, thuốc lá điện tử…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Sản xuất thuốc láthuốc lá điện tử

Các tin liên quan đến bài viết