Trong số 9 hạng GPLX ô tô tại Việt Nam hiện nay, hạng E được cấp cho người điều khiển xe ô tô chở người trên 30 chỗ. Còn hạng FE ngoài giá trị như hạng E còn có thể điều khiển xe kéo theo rơ mooc hoặc chở khách nối toa.

Theo Điều 59 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các loại Giấy phép lái xe (GPLX) tại Việt Nam đang được chia thành 9 hạng dành cho xe ô tô như sau:

– Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

– Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;

–  Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2;

–  Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C;

– Hạng E cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D;

– Các hạng FB2, FD, FE cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng B2, D, E để lái các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa;

– Hạng FC cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.

Theo phân hạng GPLX như trên, có thể thấy hạng FE là cao nhất bởi người sở hữu giấy phép hạng này có thể điều khiển được xe ô tô hoặc xe chở khách nối toa trên 30 chỗ ngồi; đồng thời điều khiển được hầu hết các loại ô tô khác như các loại giấy phép hạng B1, B2, C, D,…

Trong số các hạng GPLX hiện nay thì hạng FE là cao nhất, đồng thời cũng đòi hỏi việc học và thi khó nhất. 

Theo Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, điều kiện về độ tuổi của người lái sở hữu GPLX hạng FE được quy định “ngặt nghèo” nhất. Cụ thể, để có GPLX hạng E và FE, người lái bắt buộc phải đủ 27 tuổi trở lên và tuổi tối đa của người lái không quá 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ.

Về thời hạn sử dụng, hạng FE cũng chỉ có thời hạn là 05 năm kể từ ngày cấp theo quy định tại Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải. Khi GPLX hạng FE hết hạn, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng bằng thì tài xế phải tiến hành thủ tục xin cấp lại theo quy định tại Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.

Bên cạnh đó, điều kiện học và thi cấp GPLX hạng FE được đánh giá là khó nhất bởi ngoài việc đã có bằng E thì người lái cần thêm kinh nghiệm, kiến thức cũng như khả năng vận hành loại xe dài và phức tạp hơn là rơ mooc chở người. Tuy vậy, trên thực tế tại Việt Nam thì những loại xe này không nhiều, do đó GPLX hạng FE không phổ biến.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bằng lái xeGPLXlái xe

Các tin liên quan đến bài viết