Giáo viên chia sẻ gặp nhiều áp lực khi mỗi năm phải nộp một sáng kiến, kinh nghiệm giảng dạy, có người sút 10kg vì tham gia các kỳ thi giáo viên giỏi.
Trong buổi chia sẻ với lãnh đạo ngành giáo dục được tổ chức chiều 15/11 tại trụ sở Bộ GD&ĐT, 63 giáo viên đang giảng dạy cho học sinh dân tộc thiểu số trên khắp cả nước chia sẻ những áp lực và đề nghị Bộ xem xét biện pháp giảm tải áp lực cho giáo viên.
Cô Nguyễn Vân Nhi, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, việc làm sáng kiến kinh nghiệm hàng năm rất khó thực hiện. Theo cô, để có thể viết ra được một sáng kiến có chất lượng, đủ tiêu chuẩn cho ngành giáo dục đòi hỏi đúc kết nhiều kinh nghiệm và công sức.
Hơn nữa, một giáo viên bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt tiêu chuẩn cấp huyện trở lên mới có cơ hội đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua nên thậm chí có hiện tượng sao chép ý tưởng, biến tấu lại sản phẩm của người khác thành của mình để hoàn thành.
Cô Nguyễn Vân Nhi, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk).
Điều này vô hình chung tạo áp lực lên giáo viên, nhiều thầy cô chưa có kinh nghiệm đã phải làm sáng kiến, đồng thời làm mất tính công bằng của cuộc thi.
“Tôi có nguyện vọng thay đổi thời gian, hình thức thi. Một sáng kiến có thể áp dụng trong một năm học để đánh giá chất lượng, và nếu có thể quy đổi kết quả của cuộc thi này sang thành tích khác. Bên cạnh đó, tiêu chí xét Chiến sĩ thi đua cũng cần linh hoạt”, cô Nhi nêu ý kiến.
Chung quan điểm với cô Nhi, cô Nguyễn Thị Thoa đến từ trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Minh Phát (Lạng Sơn) chia sẻ: “Nếu có thâm niên, người dạy có thể không quá chật vật với sáng kiến kinh nghiệm. Tuy nhiên, với giáo viên trẻ mới ra trường, việc hàng năm phải đảm bảo nhiệm vụ này quả thật rất áp lực”.
Cô Nguyễn Thị Thoa từ trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Minh Phát (Lạng Sơn).
Cô Thoa cho biết, nhiều giáo viên trẻ trường mình đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện, tỉnh. Tuy nhiên, những sáng kiến kinh nghiệm này lại chưa đạt chuẩn nên không được danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Giáo viên này bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT thay đổi cách thức thi để giảm áp lực cho giáo viên, để họ tập trung chuyên môn giảng dạy.
Cô Lương Thị Hòa, giáo viên âm nhạc kiêm tổng phụ trách đội trường Tiểu học và THCS Cao Sơn, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ câu chuyện cô sút 10kg sau khi tham gia bốn kỳ thi giáo viên giỏi âm nhạc cấp huyện, tỉnh và giáo viên tổng phụ trách đội giỏi cấp huyện tháng 3 năm ngoái.
Giáo viên này cũng mong muốn các kỳ thi giáo viên dạy giỏi được giảm tải, nhất là để loại trừ tính thành tích trong thi đua, đặc biệt là những người dạy ở vùng đặc biệt khó khăn, để thầy cô tập trung giảng dạy và quan tâm nhiều hơn đến học sinh.
Bày tỏ sự thấu hiểu trước áp lực của giáo viên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) thừa nhận: “Thời gian qua nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp mang tính chất diễn, một giờ dạy giỏi được diễn đi diễn lại nhiều lần, làm tính chất cuộc thi này khác đi, mục tiêu của cuộc thi giáo viên dạy giỏi không còn trong sáng nữa”.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).
Ông Tuấn Anh khẳng định, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đang rà soát tất cả thông tư quy định về giáo viên dạy giỏi, từ đó xây dựng thông tư mới, hướng đến việc xét và công nhận danh hiệu này qua cả một quá trình, bởi “một giờ dạy không đủ quyết định giáo viên đó có giỏi hay không”.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sắp tới cuộc thi giáo viên dạy giỏi thay vì thi 2 tiết học các thầy cô sẽ chỉ phải tổ chức 1 tiết học, trong đó sẽ không phải viết hay trình bày sáng kiến kinh nghiệm. Thay vào đó, thầy cô có thể chia sẻ, trình bày những kinh nghiệm hay, những việc làm tốt trong năm qua.
“Thông tư chuẩn bị ban hành được xây dựng trên tinh thần giảm tối đa áp lực cho giáo viên. Các cuộc thi vẫn được tổ chức nhưng hình thức sẽ được giảm tải, không bắt buộc thầy cô tham gia”, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin.
Theo VTC