Lớp học ngày càng vơi dần vì “có F”, nhiều trường đã kết hợp dạy học online và offline. Giáo viên quay cuồng, song cách dạy này còn nhiều bất cập.

Dù đã rất quen với các thao tác trong quá trình dạy trực tuyến, nhưng khi nhà trường bắt đầu triển khai dạy học song song hai hình thức “on – off”, cô Mỹ Lan (47 tuổi), giáo viên dạy Toán của một trường THCS ở Nam Định vẫn rất loay hoay.

“Mỗi tiết học chỉ kéo dài khoảng 40 – 45 phút, nhưng tôi phải mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị và kết nối các thiết bị. Chưa kể, trong quá trình dạy, giáo viên cũng phải phân tâm cho cả 2 nhóm đối tượng học sinh. Đôi khi, giáo viên phải dừng lại một chút để nhìn vào màn hình máy tính, hỏi xem những em đang học online có nắm bắt được bài giảng hay không”.

Hiện tại, nhằm phục vụ cho cả hai hình thức học một lúc, trường của cô Lan đã trang bị thêm camera rời ghi hình tiết dạy, sau đó chia sẻ tới những học sinh đang phải học qua Zoom để các em có thể theo dõi bài giảng tại nhà.

Tuy nhiên, nữ giáo viên cho rằng, cách dạy này cũng không thực sự đem lại hiệu quả do hình ảnh hiển thị trên bảng không rõ nét, micro của camera bắt được nhiều tạp âm tạo nên âm thanh hỗn độn, học sinh đôi lúc không nghe rõ được lời cô giảng.

Về phía giáo viên, cô Lan cũng phải chật vật để kết nối, liên tục “in – out” giữa 4G và wifi của trường do kết nối không ổn định.

“Quả thực, cơ sở hạ tầng của các trường học hiện nay chưa thể đảm bảo cho việc học on – off linh hoạt. Có những lúc, wifi của trường không thể tải nổi do có quá nhiều thiết bị cùng truy cập một lúc. Những lúc như thế, giáo viên cũng rất nản lòng, chỉ có thể tự đăng ký gói 4G và phát cho máy tính cá nhân”.

Dù tốn kém nhưng theo cô Lan, giáo viên không còn cách nào khác, vì mạng phập phù cũng không thể tương tác được với học sinh học online.

Giáo viên quay cuồng dạy học 'nửa nọ, nửa kia', phụ huynh hoài nghi về hiệu quả

Lớp học kết hợp “on-off” tại một trường ngoại thành Hà Nội. 

Để giải quyết việc học sinh “nhìn không thấy, nghe không rõ” khi dạy online trên lớp, cô giáo Hoàng Mai Anh, giáo viên THPT ở ngoại thành Hà Nội đã chuyển hoàn toàn bài giảng của mình vào slide, sau đó đưa lên Zoom, đồng thời chiếu lên máy chiếu của lớp. Bằng cách này, nữ giáo viên không cần tới camera hay loa đi kèm mà vẫn có thể chia sẻ bài giảng cho cả hai nhóm đối tượng học sinh học trực tiếp và trực tuyến.

“Chia sẻ màn hình trực tiếp như thế sẽ giúp các em học online có thể nhìn thấy rõ bài giảng. Trong trường hợp cần bổ sung thêm thông tin ngoài slide, giáo viên cũng có thể viết lên màn hình rời, còn học sinh học trực tiếp nhìn lên máy chiếu giống như cô đang viết trên bảng. Nhờ đó, mọi học trò đều có cơ hội học tập như nhau”.

Cô Mai Anh cho rằng, điều quan trọng nhất là giáo viên phải linh hoạt thông qua việc kết hợp công nghệ thật tốt. Nhờ thế, thầy cô không còn phải khổ sở “chạy hai nơi”, lúc viết trên bảng, khi lại viết trên máy tính.

Ngoài ra, theo cô giáo trẻ, ở giai đoạn này, giáo viên cũng nên “trao quyền” cho học sinh nhiều hơn. Thay vì liên tục cung cấp thông tin, thầy cô có thể đưa ra các câu hỏi, bài tập để học sinh nghiên cứu, tìm hiểu. Nhờ vậy, giáo viên không phải giảng quá nhiều, trong khi học trò lại được tương tác, từ đó tiếp thu bài cũng hiệu quả hơn.

Phụ huynh hoài nghi

Dù có nhiều cách thức để triển khai “dạy online trong lớp offline”, nhưng theo chị Thu Huyền, phụ huynh có con đang học cấp 2 tại Đống Đa, Hà Nội, cách dạy “nửa nọ nửa kia” như thế cũng không thể đem lại hiệu quả.

“Tôi nghĩ rằng, khi đã học như vậy, thầy cô sẽ ưu tiên cho các bạn học trực tiếp hơn. Còn với các bạn học online sẽ “theo được đến đâu thì theo” do thầy cô không thể phân thân được. Thực tế, các thầy cô cũng cực kỳ vất vả khi phải dạy kết hợp nhiều hình thức một lúc.

Nhưng kể cả, giáo viên có thể bao quát được hết học sinh đi chăng nữa, thì hiệu quả vẫn không thể giống như khi chỉ dạy theo một hình thức do thầy cô đang bị quá tải”.

Còn chị Hạnh (Ba Đình, Hà Nội) có con học lớp 8 cho rằng, nếu trước đây học online, các bài giảng đã được thầy cô thiết kế phù hợp với cách thức học trực tuyến, thì khi kết hợp “on – off”, giáo viên không thể vừa dạy theo thiết kế bài giảng trực tuyến và thiết kế bài giảng trực tiếp.

Vì thế, các phụ huynh này cho rằng, vẫn nên triển khai theo hai hình thức, nhưng cần thực hiện độc lập.

“Với những học sinh nhiễm, nghi nhiễm hoặc có nguyện vọng học online trong cùng một khối, nhà trường có thể xếp chung vào một lớp để các con học trực tuyến tại nhà; còn những học sinh nào vẫn có nguyện vọng học trực tiếp, nhà trường có thể tổ chức học tại trường như hiện tại. Xếp lớp linh hoạt như vậy sẽ đảm bảo hiệu quả cho từng nhóm đối tượng”, phụ huynh này nói.

Clip ghi lại hình ảnh tại lớp 7A02 Trường THCS Thái Thịnh ngày 15/2 khi cô giáo cách ly tại nhà vẫn dạy trực tuyến cho các học sinh tại lớp và những học sinh khác không đến được lớp:

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP. Vinh (Nghệ An) cho biết, nhà trường từng nghĩ đến việc tập trung những học sinh F0, F1 của từng khối để tổ chức thành những lớp học online riêng, nhưng phương án này cần phải được cân nhắc bởi điều đó sẽ ảnh hướng đến chương trình học riêng của từng em và không hiệu quả bằng các phương án khác đang được triển khai.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : học sinhHọc Trực Tiếphọc trực tuyến

Các tin liên quan đến bài viết