Là giáo viên dạy tiếng Anh với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, anh T. nghỉ việc, sang Australia lao động. Anh nói ‘cú liều’ xuất ngoại này giúp anh mỗi năm gửi về hơn 1 tỷ đồng cho gia đình.
Vừa qua, trên báo VietNamNet đăng tải tuyến bài học sinh giỏi từ chối vào đại học, đổ xô đi xuất khẩu lao động. Thực trạng không chỉ xảy ra với học sinh, ngay cả những giáo viên đã vào biên chế nhà nước vẫn từ bỏ nghề, lựa chọn con đường xuất ngoại để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Nhiều người may mắn có thu nhập cao nhưng cũng không ít thầy cô lâm cảnh bi đát, trả giá đắt khi lựa chọn con đường này… VietNamNet xin giới thiệu bài 2 của tuyến Giáo viên giỏi rời bục giảng đi xuất khẩu lao động, mời độc giả đón đọc.
Giáo viên mượn tiền hiệu trưởng để xuất ngoại
Một hiệu trưởng trường THPT chia sẻ với VietNamNet lâu nay, chỉ một số ít giáo viên đang sống tốt với nghề vì nền tảng kinh tế gia đình khá giả hoặc nhờ vào nguồn thu nhập từ dạy thêm, công việc khác. Còn lại, đa số giáo viên sống chật vật với đồng lương.
Áp lực cuộc sống buộc giáo viên phải nghĩ cách tăng thu nhập, đặc biệt là với giáo viên nam – những người trụ cột trong gia đình. Việc ra nước ngoài lao động là một trong những lựa chọn đó.
Một nông trại ở Australia.
Cá nhân vị hiệu trưởng không cổ xúy cho việc giáo viên bỏ việc, ra nước ngoài bán sức lao động tuy nhiên theo ông: “Đây không phải hiện tượng tiêu cực, đáng lên án”.
“Dạy học được đánh giá là công việc ổn định, nghề cao quý, nếu không vì hoàn cảnh sẽ không ai muốn bỏ nghề để tha phương cầu thực. Có những thầy, cô giáo gia cảnh khó khăn buộc họ lựa chọn xuất ngoại lao động như một lối đi để thoát nghèo”, vị hiệu trưởng chia sẻ.
Câu chuyện ông kể là một minh chứng cho việc giáo việc bỏ nghề dạy, rẽ hướng xuất ngoại và chính lựa chọn đó đã giúp họ thay đổi số phận.
Một ngày cuối tháng 5/2015, thầy K., giáo viên dạy môn Ngữ văn, lên phòng gặp hiệu trưởng để mượn 50 triệu đồng. Vị hiệu trưởng không ngạc nhiên bởi hoàn cảnh gia đình thầy K. khó khăn, có con bị bệnh tim bẩm sinh. Nhiều lần, công đoàn trường cũng đã phải quyên góp ủng hộ, san sẻ bớt khó khăn với gia đình thầy.
Lúc đầu, người hiệu trưởng tưởng thầy K. cần tiền để đi mổ tim cho con trai. Tuy nhiên, sau đó thầy K. chia sẻ số tiền mượn này, thầy dùng để sang Đức làm nghề phục vụ trong nhà hàng cho một người quen.
“Nếu ở lại bám trụ với nghề, không biết bao giờ em mới có tiền chữa bệnh cho con, lo cho tương lai các con về sau. Chi phí sang Đức còn thiếu, anh cho em mượn thêm. Vì đi trong thời gian nghỉ hè nên em chưa viết đơn nghỉ việc. Sang bên kia có công việc ổn định, em viết đơn xin ra khỏi ngành. Nếu bất trắc em sẽ quay về. Cực chẳng đã mới làm thế này, em mong anh giữ kín việc này cho em”, tâm tư của thầy K. khiến ông nhớ mãi.
Tới Đức, may mắn có người quen giúp đỡ cùng với sự chịu khó, cần cù công việc mới của thầy K. thuận lợi, đưa lại nguồn thu nhập tốt.
Theo vị hiệu trưởng, nhờ có tiền nước ngoài gửi về nên thầy đã có đủ chi phí hàng trăm triệu để mổ tim cho con trai. Người giáo viên năm nào giờ đây cũng đã xây được căn nhà khang trang, lo cho vợ con một cuộc sống ở quê nhà.
“Có tháng thu nhập bằng 10 năm đi dạy”
10 năm trước, anh Trương X.T (47 tuổi) là giáo viên tiếng Anh có biên chế tại trường THCS ở Hà Tĩnh với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng.
Cuộc sống khó khăn, anh xin nghỉ việc và tìm đường sang Australia kiếm việc làm. Sau 7 năm lao động ở Australia, khi trở về quê nhà, anh có trong tay tiền tỷ, nhiều tài sản và gia đình sống sung túc.
Anh kể, thời điểm năm 2013, ở các vùng quê nở rộ phong trào đi lao động tại Đức, Australia và một số nước châu Âu khác. Nhiều trường hợp đi thành công, nguồn ngoại tệ gửi về đã làm thay đổi bộ mặt làng quê.
Lao động Việt Nam nghỉ trên một cánh đồng ở Australia sau những giờ làm việc mệt nhoài.
Người Việt lao động tại Australia.
Trước sức hút của con đường xuất ngoại làm giàu, nhiều giáo viên trong đó có anh T. quyết định bỏ nghề, tìm đường sang Australia.
Ý định của anh T. bắt nguồn từ một người bạn cũng là giáo viên tiểu học. Người bạn này đã mạnh dạn từ bỏ nghề dạy học để sang Australia lao động và có nguồn thu nhập cao.
Nhận thấy nước Australia là miền đất hứa, anh T. quyết định vay mượn hàng trăm triệu đồng, nhờ công ty du học làm hồ sơ. Khi có visa du học sang Australia, anh T. viết đơn xin thôi việc.
“Thời điểm đó, giáo viên sang Australia chủ yếu bằng đường du học, tỉ lệ ra visa cao. Trên cùng chuyến bay lần đó, trong đoàn ngoài tôi còn có một thầy giáo dạy Địa lý ở một trường THPT Hà Tĩnh và cô giáo tiểu học ở Quảng Bình”, anh T. nói.
Sang Australia, anh T. nhờ bạn tìm kiếm công việc để mưu sinh. “Các giáo viên, công chức nhà nước… sang Australia tìm kiếm việc mới chủ yếu là lao động chân tay, phải làm việc rất vất vả”, anh T. cho biết.
Từ một thầy giáo, anh T. chọn bán sức ở xứ người với nhiều công việc chân tay nặng nhọc ở các trang trại, làm thợ sơn, phục vụ nhà hàng… Đổi lại, anh có nguồn thu nhập cao, có tháng anh kiếm được hàng trăm triệu đồng, có năm anh gửi về cho gia đình hơn tỷ đồng.
“Những tháng lễ hội của Australia việc làm thêm rất nhiều. Có những ngày, tôi nhận làm thêm 3 việc khác nhau, chỉ ngủ 3 tiếng, đổi lại tháng đó kiếm được hơn 300 triệu đồng gửi về cho gia đình. Tháng cao điểm tôi được hơn 400 triệu đồng, nếu làm phép tính, số tiền kiếm được một tháng ở Australia bằng lương giáo viên đi dạy 10 năm”, anh T. cho hay.
Theo chân anh T. một số bạn bè của anh cũng từ bỏ nghề giáo viên để sang Australia lao động và đều có thu nhập cao. Có nhiều người ở lại định cư tại Australia, Đức… và đưa con cái, người thân sang sinh sống, làm việc.
Anh T. kể thêm, có trường hợp vợ chồng anh H. (giáo viên ở một trường THPT), có thâm niên trong nghề nhưng vẫn xin nghỉ việc, sang Australia. Hiện họ đã định cư tại nước này.
“Bên cạnh những giáo viên xuất khẩu lao động thu nhập cao, cũng có những trường hợp sa vào con đường phạm pháp, phải nhận “trái đắng” đầy chua xót”, anh T. cho biết.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu tăng hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 – 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước.
Ngoài ra, năm học 2022 – 2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc).
Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có chính sách đột phá thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn.
Ngày 21/7 vừa qua, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cũng cho biết, TP này đang thiếu 688 giáo viên. Bà Lê Thị Thùy Dung – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, phân tích nguyên nhân không tuyển dụng được giáo viên như hiện nay là do “chế độ tiền lương của giáo viên còn thấp”.
“Hiện nay, giáo viên mới ra trường nếu chưa được nâng lương, tiền lương của họ chỉ nhận được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Từ tháng 7 được nâng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, giáo viên nhận được khoảng 4,2 triệu đồng/tháng”, bà Thùy Dung nói về nguyên nhân thiếu giáo viên.
Nguồn: vietnamnet