Kết thúc tiết thi giáo viên dạy giỏi, tôi nhận được phản hồi từ học trò: “Cô ơi! Hôm nay cô dạy không hay như thường ngày. Cứ mỗi lần có giáo viên vào dự giờ là em thấy tiết học khác lắm. Cô đừng cho giáo viên khác vào dự nữa…”.

Giáo viên dạy giỏi hay giáo viên diễn giỏi? - Ảnh 1.

Đằng sau những kỳ thi giáo viên dạy giỏi là muôn vàn những điều khó có thể nói hết.

Sau lời phản hồi đó, tôi chỉ biết thở dài chứ không biết nói gì với học sinh của mình. Tiết dạy đó tôi được đồng nghiệp đánh giá rất cao. Đó là một tiết học rất thành công trong mắt thầy cô giáo nhưng đã hoàn toàn mất điểm trong lòng người học. Đằng sau những kỳ thi giáo viên dạy giỏi là muôn vàn những điều khó có thể nói hết.

Mỗi học sinh có năng lực riêng

Tôi là một giáo viên có mười năm kinh nghiệm đứng trên bục giảng, cũng đã ba lần tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Dù rất tự tin với năng lực chuyên môn nhưng tôi tự nhận thấy bản thân không phù hợp với các kỳ thi như vậy.

Trong mỗi lần được tập huấn chuyên môn, giáo viên chúng tôi luôn được nhắc nhở về sự công bằng, công tâm trong việc giáo dục và đánh giá học sinh. Mỗi cá nhân học sinh có một năng lực, một sở trường riêng. Thầy cô giáo không thể yêu cầu các em phải giỏi môn mà mình dạy và càng không thể yêu cầu các em học giỏi đều các môn.

Và phát ngôn nổi tiếng của Albert Einstein luôn được nêu ra để nhắc nhở chúng tôi: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời nó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Tôi cho rằng đó là quan điểm giáo dục rất nhân văn.

Để một tiết thi giáo viên giỏi thành công, người ta sẽ đánh giá thông qua sự chủ động, tích cực của học sinh trong tiết học. Học sinh phải có khả năng trả lời được những vấn đề cao siêu, phức tạp sau năm phút thảo luận nhóm. Phải có khả năng thuyết trình một cách trôi chảy, mạch lạc chỉ sau vài phút chuẩn bị.

Nếu giáo viên diễn giảng nhiều một chút để cho học sinh hiểu được những vấn đề phức tạp sẽ bị phê bình là “nói nhiều”, “phải để cho học sinh nói, không được tranh nói với học sinh”…

“Giáo viên diễn giỏi”

Nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn nói đùa là phải đổi tên cuộc thi này từ “giáo viên dạy giỏi” thành “giáo viên diễn giỏi”. Nhưng thực chất nếu chỉ giáo viên “diễn giỏi” không thì chưa đủ. Vai diễn trung tâm thuộc về học trò. Người trong nghề sẽ hiểu được cái cảnh thầy cô giáo để dạy một tiết học nhưng phải đưa trước câu hỏi thậm chí là cả đáp án cho học sinh và mất rất nhiều ngày để tập cho học sinh thuyết trình, tập văn nghệ.

Trong một tiết học, học sinh vừa phải làm họa sĩ để vẽ tranh và giới thiệu cho cả lớp bức tranh mình vẽ với ý nghĩa sâu xa. Có học sinh phải đóng kịch, ca hát, đánh đàn… Thậm chí có giáo viên phải dặn dò trước một số học sinh giỏi đứng lên đặt ra câu hỏi khó cho thầy cô giáo để giáo viên thể hiện được năng lực xử lý tình huống bất ngờ trong tiết dạy thi giáo viên giỏi.

Nhiều tiết thi giáo viên dạy giỏi được đánh giá cao là những tiết được được đầu tư chuẩn bị từ rất lâu, mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc. Bài giảng không chỉ do cá nhân giáo viên dự thi mà do cả tổ chuyên môn cùng hỗ trợ xây dựng.

Những giáo viên không thi cũng phải viết từng lời giảng, soạn từng câu hỏi, vẽ từng sơ đồ và tranh ảnh để hỗ trợ đồng nghiệp của mình đi thi. Có những điều rất bình thường, đơn giản như viết bảng, trang trí bảng cũng cần phải nhờ một giáo viên khác vẽ đẹp, viết chữ đẹp để giúp thực hiện cho thật hoành tráng.

Những tiết dạy như vậy liệu có thực chất, và kết quả của cuộc thi đó nên trao cho cá nhân hay nên trao cho cả một tập thể?

Hãy là nơi để giáo viên rèn luyện, học hỏi

Nếu hội thi giáo viên dạy giỏi được tổ chức với tinh thần của một “hội” thì thật hay biết bao nhiêu. Đó sẽ là cơ hội cho những giáo viên tâm huyết với nghề, say mê chuyên môn có được dịp để rèn luyện và học hỏi. Nhưng hội thi này lại trở thành hội của những cuộc chạy đua thành tích. Áp lực về số lượng giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi của một trường đè nặng lên vai các thầy cô giáo.

Thấp điểm trong mắt học trò

Bản thân tôi và một số đồng nghiệp tâm huyết khác đều gặp chung một vấn đề tiết thi giáo viên giỏi được giám khảo đánh giá cao lại thấp điểm trong mắt học trò. Trong tiết dự thi, thầy cô giáo không phải là chính mình. Cả thầy cô và trò đều nói và có những hành động rất gượng ép.

Sau tiết thi dạy dự thi giáo viên giỏi được đánh giá là thành công, tôi và một vài đồng nghiệp tâm huyết khác đều phải dạy lại chính bài học đó. Bởi vì trong tiết học đó các em phải được làm chủ, phải nói ra được những điều rất cao siêu, phức tạp so với lứa tuổi và tất nhiên là các em không hiểu.

Dù biết dùng những phương pháp dạy học tích cực sẽ rất tốt trong việc phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, nhưng thực tế thì không cho phép như vậy.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : giáo viên dạy giỏigiáo viên diễn giỏi

Các tin liên quan đến bài viết