‘Thi giáo viên giỏi chỉ là diễn, tôi không đồng ý!’. Tôi ấn tượng với phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mà vừa qua báo chí có nêu.
Nhiều năm đi dạy học và làm quản lý, lần đầu tiên tôi (và chắc là nhiều đồng nghiệp) được nghe tư lệnh của mình nói thẳng đến thế. Sẽ vui hơn nếu tới đây bộ trưởng có chỉ đạo qua thông tư, hướng dẫn để thầy cô sớm… thôi diễn. Hãy “cởi trói” cho giáo viên thật sự!
Sự thật dù có làm chạnh lòng không ít người, dù phải nói lên một thực trạng chẳng hay ho gì của nhà trường, vừa đau lòng lại xấu hổ, nhưng đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông, đánh thức những ai đang gánh vác sự nghiệp trồng người mà do vô tình hay cố ý, họ không khác diễn viên sắm vai trên bục giảng.
Niềm vui không nhiều mấy mà đọng lại những day dứt, nhà giáo sao dối lòng thế này? Học sinh không thể không biết những lúc thầy cô mình… diễn, các em nghĩ gì, làm gì, sẽ ra sao khi khôn lớn?
Trong những cuộc thi giáo viên giỏi, câu hỏi đặt ra nhiều hơn, học sinh làm việc nhóm “sôi nổi”, tất cả theo một kịch bản được chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau vấn đề nêu, nhiều cánh tay giơ lên, người dạy và cả người dự giờ ai cũng biết nhưng tất cả cùng im lặng… diễn.
Có nơi còn cho học sinh yếu nghỉ học tiết thầy cô thi giáo viên giỏi không ngoài mục đích giúp vai diễn hoàn hảo hơn. Trẻ bị đẩy ra khỏi tiết học, các em rồi sẽ ra sao? Phải chăng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, vô hình trung ta dạy con trẻ sự giả dối, thậm chí là vô cảm, độc ác?
Lẽ thường những tiết diễn, thầy cô cười với học sinh nhiều hơn, cuối tiết học học sinh còn được nhận quà. Học sinh hạnh phúc… thoáng mây bay.
Thi xong, có kết quả, nhà trường báo cáo, góp nên thành tích trong thi đua khen thưởng; dịp tổng kết năm học, lãnh đạo trường hân hoan lên nhận giấy khen, bằng khen… Mô hình sử dụng trong tiết dạy, sáng kiến kinh nghiệm khép lại, chờ năm học mới, quy trình cũ tiếp tục diễn…
Sớm bỏ cuộc thi giáo viên giỏi chỉ để diễn là đột phá vào “thành trì” thành tích, xóa bỏ kiểu quản lý đối phó, hình thức, thiết thực “cởi trói” cho giáo viên. Cần lưu ý diễn không chỉ ở cuộc thi giáo viên giỏi, mà còn ở những hội thi hay hoạt động khác trong nhà trường.
Có thể kể ra hoạt động trải nghiệm chỉ làm để báo cáo, việc bồi dưỡng thường xuyên, thẩm định trường chuẩn quốc gia, hồ sơ, sổ sách. Tới đây, Bộ GD-ĐT mạnh dạn thay đổi để trả lại sự bình yên (tích cực) cho học đường.
Nguồn: tuoitre.vn