Lo lắng về “sự trong sáng của chính pháp”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ra văn bản yêu cầu các chùa chỉ tổ chức lễ cầu an chứ không phải lễ dâng sao giải hạn, tránh mê tín dị đoan, lệch chuẩn tâm linh, tránh các yếu tổ dịch vụ tâm linh…

Giáo hội Phật giáo lo sự trong sáng của chính pháp - Ảnh 1.

Tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) năm nào cũng diễn ra cảnh người dân tràn ra đường để dự lễ cầu an, giải hạn

Liên quan đến câu chuyện loạn dâng sao giải hạn mỗi dịp đầu năm mới gây bức xúc trong xã hội mấy năm gần đây, Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa gửi văn bản đến Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an phục vụ nhu cầu xã hội trong dịp Tết cổ truyền xuân Canh Tý.

Văn bản mang nội dung chấn chỉnh lễ cầu an đầu xuân ở các chùa, tránh những biến tướng để “bảo vệ chính pháp”.

Công văn do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – chủ tịch Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, ký khẳng định lễ nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc trong dịp đầu xuân năm mới là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt và trở thành nhu cầu tất yếu của xã hội.

Giáo hội Phật giáo lo sự trong sáng của chính pháp - Ảnh 2.

Ngựa giấy với đủ kích cỡ có giá từ 200.000 – 500.000 đồng/con được người dân mua để làm lễ hóa vàng, sắp kín lối đi vào đền Chợ Củi, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Mỗi ngày, có hàng trăm con ngựa giấy được hóa vàng ở đây

Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho mọi người là việc làm có ý nghĩa nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và đem lại sự lạc quan trong cuộc sống.

Nhưng những gì diễn ra gần đây với những lễ cầu quốc thái dân an này đã khiến giáo hội lo lắng về “sự trong sáng của chính pháp”.

Vì vậy “để gìn giữ sự trong sáng của chính pháp, Ban Thường trực hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp của Phật giáo, dễ bị xã hội hiểu lầm là lệch chuẩn tâm linh, và phải cẩn trọng trong khâu tổ chức tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh”.

Văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn có những yêu cầu cụ thể về việc sử dụng từ ngữ: “không dùng các thuật ngữ yếm thế như “giải hạn”, “dâng sao giải hạn”, “cắt giải oan gia trái chủ”… mà phải nêu bật ý nghĩa, sự vận hành luật nhân quả của Phật giáo, tạo phước đức bằng việc tránh ác, làm thiện, làm nhiều việc tốt, sống đời sống chính mạng, chính nghiệp mới có được sự an lạc, hạnh phúc, thịnh vượng và gặp nhiều thiện duyên trong đời sống”.

Ban Thường trực hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố hướng dẫn, chỉ đạo các chùa trong cả nước thực hiện đúng theo chỉ đạo của công văn này.

Giáo hội cũng yêu cầu Ban Kiểm soát các cấp giám sát nghiêm việc thực hiện tại các cơ sở tự viện để “bảo vệ chính pháp, giữ vững niềm tin của xã hội”.

Trước đó, đầu năm 2019, sau hàng loạt bài báo phản ánh tình trạng hỗn loạn, mê tín và thương mại hóa trong các lễ dâng sao giải hạn tràn lan khắp các chùa chiền của báo Tuổi Trẻ và nhiều cơ quan báo chí khác, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức ra văn bản yêu cầu tăng ni, nhất là chư vị lãnh đạo giáo hội, không được trục lợi với lễ cầu an.

Văn bản được đưa ra sau lời hứa của phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, trên Tuổi Trẻ rằng Giáo hội sẽ có văn bản về dâng sao giải hạn.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chùa Phúc Khánhdâng sao giải hạnLễ cầu an

Các tin liên quan đến bài viết