Người mua hàng muốn nhận được hàng nhanh hơn trong khi công ty bán hàng muốn làm hài lòng khách hơn, hai yếu tố này gặp nhau tạo nên một thị trường đua tranh kịch liệt về tốc độ giao hàng.
Click chuột khoảng 2 giờ sau đã nhận được hàng ngay trong TP, hay một bưu kiện từ Hà Nội chuyển vào TP.HCM chỉ trong 5 giờ là điều không có gì khó khăn nữa.
Giao hàng 2 giờ
Một khách hàng vừa hoàn thành thao tác mua hàng, lập tức món hàng được chuyển về kho của nhà bán lẻ, đóng gói, cùng lúc đó tín hiệu được truyền cho nhà vận chuyển. Hệ thống sẽ lựa chọn người giao hàng gần nhất đến nhận hàng.
Quá trình giao hàng ba bên gồm người mua hàng, người bán và nhà điều hành dịch vụ vận chuyển cùng kiểm soát. Gần 2 giờ sau, món hàng được chuyển đến người mua.
Ông Phùng Khắc Huy, CEO Ship60, cho biết mô hình này ra đời nhắm vào khoảng trống của giao hàng trong ngày mà các doanh nghiệp bưu chính truyền thống đang bỏ qua là vận chuyển nhanh hàng tươi sống rau quả hay đáp ứng cuộc đua giao hàng nhanh cho người mua của các nhà thương mại điện tử, tăng trải nghiệm tốt cho khách hàng.
“Với dịch vụ này, khách hàng ở TP.HCM được giao hàng trong vòng một tiếng theo yêu cầu nhưng phải trả phí cao hơn so với các gói dịch vụ giao hàng khác” – ông Huy nói.
“Chấp luôn kẹt xe”
Theo một khảo sát mới đây của Q&Me, hơn 50% khách hàng online trả lời họ chọn mua sản phẩm qua mạng vì giá thành tốt.
Hơn 80% những phản ảnh không hài lòng về thương mại điện tử xuất phát từ khâu giao nhận. Để giữ chân và có thêm khách hàng, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải nghĩ đến việc co kéo các chi phí để đạt được cạnh tranh giá.
Trong đó, tâm lý khách hàng phần lớn muốn được vận chuyển hàng mua trong ngày. Thời gian “lý tưởng” theo mong muốn của khách hàng là giao hàng trong vòng 1-3 giờ từ lúc đặt hàng.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki, cho biết đơn vị này đã thử áp lực cho mình bằng cách giao hàng trong 2 giờ.
Hiện nay Tiki đã “chấp luôn” kẹt xe để giao hàng trong vòng 2 giờ và phần lớn khách hàng bị thuyết phục bởi dịch vụ này. Tiki đang nỗ lực về mặt công nghệ để có những thuật toán giúp dự báo chính xác nhu cầu khách hàng cần gì, bao nhiêu và ở đâu.
Ông Alexandre Dardy, giám đốc điều hành Lazada Việt Nam, nói điều kiện để các đơn vị giao hàng nhanh trở thành đối tác giao hàng của Lazada là giao nhanh nhất.
“Tia chớp”, “hỏa tốc” giá cao
Những dịch vụ giao hàng nhanh ra mắt trong bối cảnh thị trường đang bỏ trống sự cạnh tranh bán lẻ trực tuyến đang diễn ra gay gắt và các nhà bán lẻ truyền thống gia tăng chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Hàng loạt start-up cũng đang nhảy vào “tham chiến” trong lĩnh vực này như nShipS, AhaMove, giaohangso1.vn, tochanh.vn Zozoship.vn…
Theo các doanh nghiệp, dịch vụ giao nhận hiện nay đang rất sôi nổi, đặc biệt ở phân khúc giao hàng chặng cuối – từ trung tâm phân phối đến người tiêu dùng.
Gắn với dịch vụ giao hàng trong 1 giờ hay trong ngày đối với đơn hàng liên tỉnh là sự ra đời của những gói dịch vụ giao hàng “tia chớp”, “hỏa tốc” của các công ty giao nhanh.
Ông Nguyễn Văn Tú, CEO của doanh nghiệp giao nhận Nhất Tín, cho biết thị trường có những món hàng rất đặc biệt mà các doanh nghiệp không thể không giao nhanh, với giá cao.
“Nhiều đơn hàng như huyết tương hay sản phẩm y tế cần vận chuyển nhanh được chúng tôi xử lý hỏa tốc.
Sau khi nhận hàng là mang về kho xử lý và đưa ra sân bay nhanh nhất, thời gian giao các đơn hàng này thường 8 tiếng cho đầu TP.HCM – Hà Nội. Có khách hàng nói muốn vừa nhanh vừa rẻ thì có dịch vụ khác với mức giá giá khác” – ông Tú nói.
Nhu cầu giao hàng tức thì đang làm cho cuộc đua giao nhanh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt và họ dùng công nghệ để giải quyết.
Theo Nguyễn Trần Thi – CEO của Giao Hàng Nhanh, sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp nước ngoài, với đầu tư lớn và cách làm chuyên nghiệp là dấu hiệu rất tích cực đối với thị trường.
Thị trường logistics và cả thương mại điện tử sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn trong các năm tiếp theo.
Chạy nhanh, bỏ quên chất lượng
Thực tế không ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển đang chọn cách chạy đua về giá để cạnh tranh, sẵn sàng “đạp” dưới giá thành để giành hợp đồng, tuy nhiên không đảm bảo được chất lượng cam kết, thường xuyên giao chậm, làm thất lạc… khiến khách hàng rời bỏ dịch vụ.
Nhiều người từng mua hàng trên mạng cho biết họ có thể chuyển sang nhà bán lẻ khác nếu dịch vụ giao nhận của nhà bán lẻ mà họ đang mua hàng không giao hàng đúng giờ hay giao chậm trễ hơn so với thông báo thực tế.
Anh Trần Văn Triều mua hàng trên một trang thương mại điện tử cho biết đơn hàng của mình gặp trục trặc kéo dài. Anh cho biết cuối tháng 1-2018 có đặt mua hai kiện hàng để dùng mặc tết.
Ở kiện hàng đầu tiên hàng giao bị lỗi, không đúng ý nên anh liên hệ với tổng đài thì được báo chỉ đổi trả khi nhận hàng, riêng đến kiện hàng thứ 2 thì rơi vào “hư không”.
Chờ mãi không nhận được hàng, kiểm tra mail thì thấy báo do anh Triều không nhận hàng nên bộ phận không giao được.
Khiếu nại lên tổng đài, anh được thông báo lỗi sơ suất nên sẽ chủ động đặt đơn hàng mới và khoảng 2-3 ngày sẽ nhận được hàng. “Đến hai ngày sau, tôi không thấy nên vào mở
mail thì thấy báo tôi không nhận hàng lần 2. Trong khi tôi không hề nhận được thông báo hay cuộc gọi nào từ người bán hay bên giao hàng” – anh Triều bức xúc.
Giám đốc kinh doanh một sàn thương mại điện tử trong nước thừa nhận hơn 90% khách hàng mua sắm trực tuyến đã đổ lỗi cho nhà bán lẻ về dịch vụ giao hàng kém.
Đặc biệt trong những ngày cao điểm của lễ, tết tình trạng đơn hàng bị treo, ngâm hay hàng bị giao nhầm, mất hay hỏng khá phổ biến. Khâu giao hàng đang là nút thắt lớn nhất của thị trường.
Đặc biệt, với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, chất lượng hàng khi đến tay người mua thường ít được đảm bảo do nhân viên bảo quản hàng không đúng cách, giao hàng chậm trễ.
Cuộc chiến mới giữa truyền thống và công nghệ
Cũng giống như thị trường taxi, thị trường giao nhận hàng đang trong quá trình cạnh tranh giữa các đơn vị giao nhận hàng truyền thống và đơn vị giao hàng công nghệ.
Cơ bản nhất là phải đáp ứng được nhu cầu của khách và mỗi đối tượng sẽ có những yêu cầu khác nhau.
VNPost (Tổng công ty Bưu điện VN) hay ViettelPost trước đây vốn chỉ tập trung vào nhóm khách hàng chuyển phát bưu chính, nay đã chuyển hướng sang cả các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Trong khi những đơn vị giao hàng công nghệ tập trung nhiều vào thuật toán, tối ưu lộ trình để giải quyết các bài toán của bưu chính truyền thống chưa làm được, thay vì sử dụng nhiều người.
Các doanh nghiệp giao hàng trực tuyến cũng đang hướng phát triển tập trung nền tảng cộng đồng, thu hút những người tham gia mạng lưới giao thông cũng có thể vận chuyển hàng hóa được và dùng cách thức đó để giải quyết bài toán nhanh.
Nguồn: tuoitre.vn