Chuyển mạnh qua dạy học trực tuyến là cách giáo dục phòng chống và “sống chung” với đại dịch.

Giáo dục sống chung với đại dịch - Ảnh 1.

Một giáo viên lớp 6 ở TP.HCM dạy trực tuyến môn lịch sử 

Phải thay đổi cách nghĩ, cách sống, cách làm truyền thống của mình để vượt qua khúc quanh ngặt nghèo của lịch sử như xưa nay chúng ta đã từng thành công.

Đại dịch COVID-19 đang khiến nếp sống con người bị đảo lộn dữ dội. Để giữ vững được mục tiêu vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa bảo vệ sức khỏe nền kinh tế, chúng ta buộc phải áp dụng những biện pháp ứng phó chưa từng có. Người đi làm thay vì làm việc tại cơ quan thì làm việc ở nhà, công nhân ăn ở ngay tại chỗ làm, học sinh chưa học hết chương trình cũng phải nghỉ ở nhà thực hiện giãn cách xã hội… Hy vọng đại dịch sẽ kịp kết thúc trước ngày bắt đầu năm học mới cho mọi hoạt động giáo dục trở lại như cũ là không thể.

Cách làm khác

Giáo dục nhà trường thời đại dịch đã lâm vào thế bị động. Giáo dục, cụ thể là giáo dục trong nhà trường, phải được thực hiện theo cách khác, thích hợp hơn, an toàn hơn, chủ động hơn trong thời đại dịch này, tránh được tổn thất mà vẫn đạt mục tiêu hoàn thành chương trình năm học.

Cách phù hợp nhất giúp cho nhà trường thực hiện mục tiêu chính đáng này chính là học tại nhà qua dạy học trực tuyến. Học sinh ngồi học tại nhà mà vẫn được nghe giảng đầy đủ, nhiều khi là với thầy cô giỏi nhất, giàu kinh nghiệm nhất; vẫn làm bài tập, bài kiểm tra và nộp bài cho thầy cô chấm. Cách học ở nhà này khiến cho tình trạng tập trung đông người tại trường và trên đường giao thông được giảm thiểu rõ rệt, đồng nghĩa với hạn chế cơ hội lây lan dịch, giảm gánh nặng cho xã hội và gia đình.

Ngoài việc hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây lan dịch bệnh, học tại nhà thông qua dạy học trực tuyến có những thế mạnh riêng khác. Học trực tuyến giúp học sinh rèn luyện khả năng tập trung và tự học, làm việc chủ động. Các bài giảng trực tuyến được số hóa có thể được học sinh mở ra để học lại bất kể lúc nào, đoạn nào mình muốn. Do đó học sinh chậm hiểu có thể hiểu sâu bài giảng hơn, học sinh gặp trường hợp bất khả kháng phải bỏ một vài buổi học vẫn có thể đuổi kịp chương trình.

Các bài giảng trực tuyến của thầy cô được kết nối với kho tàng tri thức trên Internet giúp học sinh có thể đào sâu kiến thức, mở rộng tầm nhìn, rèn luyện kỹ năng vận dụng. Ai tự học cần theo chương trình học chính quy cũng có thể tham gia. Việc này mở ra triển vọng tăng số người học mà không phải tăng thêm ca học, phòng ốc và giáo viên, không tăng chi ngân sách cho xây thêm trường lớp, đào tạo giáo viên. Dạy học trực tuyến phải dần trở thành cách dạy chủ yếu trong hoàn cảnh bình thường mới.

Không thể cầu toàn

Nhiều người phủ nhận cách học này vì cho rằng học tại nhà thông qua học trực tuyến sẽ không giúp nhà trường đạt chất lượng mong muốn. Đúng là học trực tuyến hiện còn nhiều mặt yếu cần được nhận diện để được khắc phục, hạn chế.

Đó là khó tương tác giữa thầy và trò, trò với trò trong giờ học. Đó là tính tin cậy kết quả bài làm của học sinh trong kiểm tra, nhất là trong thi cử bị nghi ngờ. Đó là học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1 không thể học nếu thiếu sự giúp đỡ của phụ huynh. Đó là tính thiếu tự giác, thiếu chủ động của một số học sinh. Đó là hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc học trực tuyến bị quá tải hay hoạt động thiếu tin cậy. Đó là không tổ chức được hoạt động thực hành, ngoại khóa. Đó là hoàn cảnh các gia đình nghèo không sắm nổi các dụng cụ học tập thiết yếu…

Nhưng ta hoàn toàn có thể tin rằng “cái khó ló cái khôn”. Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dạy trực tuyến và dạy truyền thống, với sự đồng lòng của các gia đình, sự chung tay của các ngành cùng sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các nhược điểm này sẽ dần được khắc phục.

Để vượt qua thử thách do đại dịch gây ra, trước hết cần thống nhất ý chí: giáo dục nhà trường bắt buộc phải thay đổi để thích nghi với thời đại dịch, thay đổi càng sớm càng tốt. Hiện nay ta ở thế không còn cầu toàn được nữa. Con người không thể thụ động chờ sự nương tay của tự nhiên để trở về với nếp sống cũ hoặc chờ ngày chế ra một vắc xin thần kỳ ngừa “bách dịch” khi các biến thể virus mới đang và sẽ cứ bướng bỉnh tiếp tục xuất hiện.

Thà đạt 70-80% mục tiêu trong tình trạng bình thường mới còn hơn chờ trong vô vọng thời điểm đủ điều kiện dạy kiểu truyền thống nhằm đạt trọn vẹn mục tiêu. Chuyển mạnh qua dạy học trực tuyến là cách giáo dục “sống chung” cùng đại dịch và tham gia tích cực cùng xã hội phòng chống đại dịch.

Học sinh khá giỏi tăng nhờ học trực tuyến

Thực tiễn Trường học Dwight (Dubai, UAE) – dạy trực tuyến là chính, có kết hợp với dạy truyền thống – cho thấy số học sinh đạt điểm khá và giỏi còn tăng 12% so với dạy theo lối truyền thống những năm trước.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : dạy trực tuyếngiáo dụchọc onlineSống chung với đại dịch

Các tin liên quan đến bài viết