Bắt đầu giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (TKT) từ năm 2010, Trường mẫu giáo Long Bình, xã Long Bình (Phú Riềng) hiện có 6 TKT theo học. Bằng sự nỗ lực của cả cô và trò, đến nay các em đã có thể tham gia những hoạt động thể chất bình thường và tự tin giao tiếp với mọi người.
SỰ ĐỒNG CẢM CỦA NGƯỜI MẸ
Tới thăm nhà chị Nguyễn Thị Mỹ, ngụ thôn 1, xã Long Bình, nhìn em Dương Chí Khang (con trai chị) nay đã lớn, không ngại nói chuyện với người lạ, có thể tự đi xe đạp, ít ai biết được hành trình gian nan để cháu được như hôm nay. 7 năm trước gia cảnh chị Mỹ vô cùng khó khăn, một mình chị nuôi 2 con tật nguyền, đứa lớn bị bại não, nằm liệt giường; đứa nhỏ bị hội chứng down và bệnh tim bẩm sinh, đau ốm thường xuyên. Để có thêm thời gian làm việc tăng thu nhập chăm lo cho 2 con, cũng như muốn con mình được hòa nhập cùng các bạn, chị đã gửi Khang vào Trường mẫu giáo Long Bình.
Cô và trò Trường mẫu giáo Long Bình trong giờ học
Khi ấy, trường còn khó khăn bộn bề, cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên vừa thiếu vừa không có kinh nghiệm chăm sóc TKT. Tuy nhiên, với tình yêu trẻ cùng trách nhiệm, đặc biệt là sự thấu hiểu, đồng cảm của người làm mẹ, Ban giám hiệu trường đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ các em sớm hòa nhập cùng bạn bè. Cô Cao Thị Thủy, Hiệu trưởng nhớ lại: Khang tới lớp khi đã 4 tuổi nhưng rất gầy gò yếu ớt, con mới chập chững biết đi, bập bẹ nói những từ đơn giản, ngại giao tiếp với người lạ, hay có những hành vi bất thường. Sau gần 2 năm kiên trì luyện tập theo hướng dẫn, Khang đã biết nói những câu ngắn, cụm từ đơn giản, ngoan và lễ phép, biết chào hỏi mọi người…
ĐỒNG HÀNH VỚI TKT
Trường không có phòng chức năng chuyên dụng, giáo viên không được đào tạo chuyên môn chăm sóc TKT. Kiến thức về chăm sóc TKT mà giáo viên có được là do tự tìm tòi, nghiên cứu cũng như thông qua các buổi hội thảo chuyên đề do ngành giáo dục tổ chức. Để có thể nhận 6 TKT theo học như hiện nay, trường đã phải đánh giá kỹ dạng khuyết tật của mỗi em để xếp lớp phù hợp. Việc đứng lớp trẻ mầm non đã khó, đứng lớp có cả trẻ mầm non bình thường và khuyết tật còn khó hơn gấp bội. Giáo viên phải tự tìm hiểu, xây dựng phương pháp phù hợp cho cả hai đối tượng. Giáo viên không chỉ chăm sóc, động viên TKT giảm bớt tự ti, mặc cảm, hòa nhập cùng bạn bè, mà còn phải giáo dục các em trong lớp biết quan tâm, giúp đỡ, không xa lánh, trêu chọc bạn. Qua đó giúp các em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, tập thể giáo viên trường đã có nhiều giải pháp thực hiện. Trước nhất là sự phối hợp cùng vào cuộc của gia đình các em. Giáo viên chẩn đoán, đánh giá xem trẻ ở dạng khuyết tật nào, mức độ chức năng hiện tại của trẻ để tư vấn phụ huynh dạy con khi ở nhà. Việc tạo không khí vui tươi, cởi mở giữa TKT và các bạn trong giờ học lẫn khi vui chơi cũng rất quan trọng, giáo viên cần nắm rõ nhu cầu của mỗi trẻ để khuyến khích tham gia những trò chơi vận động phù hợp. Thường xuyên quan tâm theo dõi các hoạt động của TKT, nhận xét đánh giá sự phát triển của trẻ, trên cơ sở đó đề xuất với phụ huynh phương pháp giáo dục trẻ.
Tại Trường mẫu giáo Long Bình, đẹp hơn cả là những hình ảnh thật ấm áp về sự hòa đồng, chia sẻ, giúp đỡ bạn không may mắn để bạn không còn cảm thấy tự ti về bản thân; là sự tận tụy, kiên nhẫn của cô giáo dành cho các em. Cô Cao Thị Thủy chia sẻ: “Trường vẫn tiếp tục vận động và hỗ trợ các gia đình đưa TKT tới lớp để trẻ có nhiều cơ hội cải thiện kỹ năng cần thiết, giúp ích cho các em về sau. Mong mỗi chúng ta có cái nhìn đồng cảm với TKT, các bậc phụ huynh xóa đi mặc cảm con mình là TKT, để từ đó chung tay giúp các em hòa nhập cộng đồng, có thêm niềm tin, động lực trong cuộc sống”.
Trần Tú (BPO)