Hằng năm, cứ sau tết Nguyên đán, nhất là vào mùa thu hoạch điều, tình hình học sinh bỏ học hoặc đi học không chuyên cần lại diễn ra ở một số trường trên địa bàn Bù Đăng khiến việc duy trì sĩ số lớp, nâng cao chất lượng đại trà gặp nhiều khó khăn. Học sinh nghỉ học chủ yếu lớp 6, 7 thuộc các dân tộc thiểu số (DTTS). Không chỉ ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chuyên trách phổ cập của các trường mà cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cơ sở đã vào cuộc tích cực để đưa các em trở lại lớp.

HỌC SINH NGHỈ HỌC PHỔ BIẾN

Trường THCS Đoàn Đức Thái (xã Đồng Nai) có 298 học sinh, trong đó 70% DTTS, chủ yếu là người S’tiêng, Mơnông, Châu Mạ. Cô Đinh Thị Là, Hiệu phó nhà trường cho biết: “Trường ở vùng sâu, đông đồng bào DTTS nên tình trạng học sinh nghỉ vài ngày rồi lại tới lớp là chuyện không lạ. Vào thời điểm này hằng năm, việc duy trì sĩ số lớp của trường rất khó khăn, năm nay cũng không ngoại lệ nên trường đặc biệt chú trọng vận động học sinh ra lớp”.

vandonghocsinh1

Cha mẹ cho con đi rẫy từ nhỏ sẽ tạo thói quen khiến trẻ bỏ học

Cô Trương Thị Lan, giáo viên mới về trường, được phân công chủ nhiệm lớp 6C, cho biết: Toàn trường hiện có 10 em đi học không chuyên cần, trong đó riêng lớp 6C có tới 5 em (1 em người Kinh, còn lại người S’tiêng, Mơnông). Theo quy định của trường, nếu học sinh nghỉ học không có lý do thì giáo viên chủ nhiệm phải liên hệ với phụ huynh để vận động học sinh trở lại lớp; nếu học sinh nghỉ 3 ngày liên tiếp, có biểu hiện chán học, bỏ học thì giáo viên chủ nhiệm phải trực tiếp tới nhà vận động. Sau 3 lần không thành sẽ báo cáo với Ban giám hiệu thành lập đoàn vận động tiếp. Vì đường đi lại khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, có em nhà cách trường 12km nên tôi thường tranh thủ đi vào buổi chiều. Cái khó nữa là khi học sinh có ý bỏ học, thấy cô giáo sẽ trốn không gặp. Mặt khác, phụ huynh người DTTS thường ít quan tâm tới chuyện học của con.

Thầy Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Đức Thái cho biết: Vào mùa điều thường cả gia đình người DTTS lên rẫy thu hoạch. Để động viên con, cha mẹ thường cho tiền tiêu xài. Khi có tiền, học sinh sẽ đi chơi game hoặc ăn quà vặt, dẫn đến đi học không chuyên cần diễn ra phổ biến. Ngày 2-3-2017, UBND xã Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 10 về việc vận động học sinh bỏ học ra lớp năm học 2016-2017. Trong đó, thành lập 2 tổ vận động với các thành viên là lãnh đạo MTTQ, các đoàn thể, cộng tác viên công tác xã hội, bí thư chi bộ, trưởng, phó các thôn có học sinh bỏ học cùng giáo viên chủ nhiệm. Trong 10 học sinh nghỉ học của trường có 9 học sinh lớp 6, 1 học sinh lớp 7. Bà Thị Diệu Hiền, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Nai nói: “Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục cho các gia đình làm bản cam kết, bằng mọi cách phải khắc phục tình trạng học sinh bỏ học”.

NHIỀU GIẢI PHÁP VẬN ĐỘNG HỌC SINH TRỞ LẠI LỚP

Tìm hiểu tình hình học sinh nghỉ học trong mùa điều tại một số trường vùng sâu, vùng xa, được biết tình hình cũng diễn ra tương tự. Riêng Trường THCS Thống Nhất (xã Thống Nhất) đã ban hành quyết định thành lập “Ban phòng chống học sinh bỏ học” ngay từ đầu năm học, trong đó Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thành làm trưởng ban. Thầy Đỗ Hoàng Bảo Thiên, Hiệu phó nhà trường cho biết: Dù đã rất cố gắng trong vận động nhưng hiện tại trường vẫn còn 10 em nghỉ rải rác và có tư tưởng bỏ học. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trường chỉ có em Điểu Tuyên, lớp 6A6, ở thôn 2, bỏ học hẳn từ cuối học kỳ 1.

vandonghocsinhHọc sinh bỏ học sớm có nguy cơ phát sinh nhiều hệ lụy như tảo hôn, tệ nạn xã hội…

Trường THCS Chu Văn An (xã Đắk Nhau) có 894 học sinh, đông thứ 4 toàn huyện, gồm học sinh của xã Đắk Nhau và thôn 3, thôn 5, xã Đường 10. Thầy Trần Mười, Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường có 5 em bỏ học nhưng đã vận động được 3 em đi học trở lại còn 2 em trường sẽ tiếp tục vận động, sau đó tập trung ôn tập cho các em để theo kịp kiến thức.Trong năm học 2015-2016, toàn huyện có 85 học sinh bỏ học. Với một huyện, tưởng như thế đã là quá nhiều. Thế nhưng kết thúc năm học này, toàn huyện có 443 học sinh bỏ hẳn không đi học lên lớp tiếp theo nữa. Trong đó, nhiều nhất là các trường THCS Thống Nhất 62 em, THCS Chu Văn An 58 em, THCS Phan Bội Châu 50 em, THCS Nguyễn Trường Tộ 41 em. Đặc biệt, THCS Đoàn Đức Thái (xã Đồng Nai) có gần 300 học sinh, nhưng tỷ lệ học sinh bỏ học sau hè trên 10% (39 em). Từ đầu năm học 2016-2017 tới nay, toàn huyện có 16 em bỏ hẳn.

Bà Lê Thị Phương Oanh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Đăng cho biết: Phòng đã phát hành văn bản chỉ đạo các trường về việc duy trì sĩ số học sinh sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán và trong các vụ mùa thu hoạch. Trong đó yêu cầu hiệu trưởng các trường thường xuyên rà soát nắm bắt số học sinh có nguy cơ bỏ học; phối hợp với chính quyền cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể và hội cha mẹ học sinh xác định nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục, tổ chức động viên học sinh trở lại trường. Đối với học sinh chưa hoàn thành chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học, hiệu trưởng có kế hoạch hỗ trợ để các em theo kịp chương trình.

Hy vọng với sự quyết tâm của ngành giáo dục cũng như chính quyền và các tổ chức đoàn thể, việc học sinh ở Bù Đăng nghỉ học, bỏ học sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.

Đáng lo ngại nhất là tình hình học sinh bỏ học sau hè quá nhiều (443 em, tương đương với số học sinh của 1 trường), nên ngành cũng như cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn sẽ tiếp tục huy động các em ra lớp phổ cập. Nếu các em không đi học sẽ phát sinh rất nhiều hệ lụy như chơi bời lêu lổng, nguy cơ vi phạm pháp luật; bị xâm hại, tảo hôn…

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó phòng GD-ĐT huyện Bù Đăng

Nguồn BPO

Từ khóa : 24h Bình Phướcđi học trở lạihọc sinhvận động

Các tin liên quan đến bài viết