Hiện nay, nhiều cánh rừng nguyên sinh trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn cây ươi đang cho trái. Giá trị của trái ươi rất lớn nhưng luật không cho phép khai thác, vận chuyển, mua bán… do đó, vừa lãng phí nguồn tài nguyên quý vừa gặp khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng. Đáng nói, vụ ươi năm nay có người đã thiệt mạng do bất cẩn khi vào rừng lấy ươi trái phép.
MÙA ƯƠI BAY
Các loại trái cây khác ít nhất mỗi năm cho thu 1 vụ, riêng cây ươi 4 năm mới cho trái 1 lần. Nhưng vì tuổi đời các cây ươi khác nhau nên hầu như năm nào cũng có trái. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 dương lịch là thời điểm ươi vào vụ. Đây cũng là lúc nhiều hộ dân tìm mọi cách vào rừng “săn ươi”. Năm nay, ươi giá thấp nhưng được mùa nên mỗi ngày người dân cũng kiếm được tiền triệu.
Vườn quốc gia Cát Tiên (một phần thuộc địa phận huyện Bù Đăng) năm nay ươi trúng vụ. Mỗi người dân vào rừng lượm ươi cũng kiếm được từ 15-20kg/ngày. Vào vai một người đi mua “ươi bay”, chúng tôi tìm đến xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng. Hỏi ở đâu bán ươi thì ai cũng biết trong thôn 12, đặc biệt là khu xóm mới cả thôn đi “săn ươi”, muốn mua bao nhiêu cũng có.
ƯƠI VÀO VỤ – THÔN XÓM NEO NGƯỜI
Từ trung tâm xã Thống Nhất chạy dọc đường liên xã khoảng 10km, chúng tôi đến khu tái định cư Đa Bông Cua (thôn 12, xã Thống Nhất). Là đỉnh điểm mùa khô nên con đường đất đỏ bazan đang làm bụi cao quá đầu, người đi trước cách người đi sau khoảng 10m không nhìn thấy nhau. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay ươi cho thu rộ nên cả khu tái định cư gần trăm hộ dân chỉ còn lác đác vài người già và trẻ nhỏ ở nhà. Hỏi thăm một cụ trong thôn được biết, người dân đi vào rừng lấy ươi từ sáng sớm, tối muộn mới về.
Một cây ươi cổ thụ mỗi vụ có thể cho từ 70-80kg hạt ươi
Hầu hết các khu rừng có ươi, người dân đã “nắm trong lòng bàn tay”. Khu nào có ươi là cũng “có chủ” hết. Từ khi biết đi rừng lấy ươi đến nay, chúng tôi vui nhất là năm 2016. Thời điểm đó giá ươi dao động khoảng 400 ngàn đồng/kg, có khi lên đến 600 ngàn đồng/kg. Giá cao, ươi lại được mùa nên có nhóm đi rừng lấy ươi 1 ngày có thể kiếm được vài chục triệu đồng. Cá biệt, có nhóm tìm được cây ươi “khổng lồ”, thu nhiều ngày mới hết và kiếm được cả trăm triệu đồng.
Anh Đ.T ở khu tái định cư Đa Bông Cua, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng
|
Chúng tôi đến nhà chị Hoàng Thị Thúy, Bí thư Chi bộ thôn 12. Rất may chị Thúy còn ở nhà. Ngồi nói chuyện cả tiếng đồng hồ nhưng chúng tôi cũng không thấy được mặt của chị, phần vì phòng dịch Covid-19, phần vì chuẩn bị vào vườn lượm điều nên chị bịt khăn khá kín. Chị Thúy cho biết, thôn có gần 400 hộ, trong đó khoảng 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống người dân nhiều khó khăn, toàn thôn còn 37 hộ nghèo. Vào mùa ươi, người dân trong thôn xin kiểm lâm vào rừng nhặt ươi bay (ươi chín rụng xuống đất) về làm nước uống, cũng có người nhặt được nhiều thì đem bán kiếm thêm tiền mua gạo. Để bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản, Trạm kiểm lâm liên ngành của Vườn quốc gia Cát Tiên (đóng tại xã Thống Nhất) yêu cầu các hộ dân muốn vào rừng phải nộp giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu và viết giấy cam kết không xâm phạm cây rừng. Vì vậy, thời điểm này trong thôn, đặc biệt là khu xóm mới rất vắng người.
Trong lúc đang nói chuyện với chị Thúy, chúng tôi gặp người quen là bạn đọc thường xuyên của Báo Bình Phước. Qua đó, chúng tôi được giới thiệu đến gặp anh Đ.T ở khu tái định cư Đa Bông Cua. Vì mệt nên nhóm lượm ươi của anh T hôm đó nghỉ ở nhà. Trong vai một vị khách đi chơi, muốn được trải nghiệm nên chúng tôi nhờ anh T cho theo lượm ươi. Lúc đầu anh T cũng ngần ngại, nhưng phần vì cả nể anh bạn giới thiệu, phần vì sự nài nỉ của những vị khách nên cuối cùng anh T nhận lời dẫn chúng tôi vào khu rừng gần nhà có ươi đang cho trái.
KIẾM TIỀN TRIỆU MỖI NGÀY
Vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên tiếp giáp vườn cao su của người dân. Rừng cách rẫy một con đường sỏi đỏ nên chỉ chục bước chân là người dân đã vào rừng. Trong khi đó, diện tích rừng lớn, lực lượng bảo vệ rừng mỏng nên việc ngăn cấm người dân vào rừng gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng địa hình, những người lấy ươi đã theo các con đường mòn nhỏ trong lô cao su tiếp cận bìa rừng rồi len lỏi dưới tán rừng đi kiếm ươi.
Người dân vào rừng lượm ươi một ngày cũng có thể kiếm được tiền triệu
Hiện thương lái tại huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tìm đến các xã Đồng Nai, Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước thu mua ươi. Thương lái đến tận nhà người dân để mua ươi, kể cả loại tươi và khô. Giá ươi cũng đa dạng, loại ươi sẻ “bay” (hạt nhỏ) có giá dưới 100 ngàn đồng/kg, thậm chí có loại thương lái không mua. Một số người dân cho rằng, do ươi được mùa nên thương lái ép giá, bởi nếu không bán thì để ăn không biết bao giờ mới hết. Còn loại ươi trâu “bay” 1kg giá khoảng 120-150 ngàn đồng. Ươi tươi các loại có giá thấp hơn ươi “bay” khoảng 30-40%. Hiện trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu có mưa nên ươi bay trong rừng hầu hết đã nở, do đó người dân chủ yếu vào rừng để lấy ươi tươi.
|
Vừa đi anh T vừa kể chuyện lượm ươi. Thông thường người dân đi lượm ươi thành từng nhóm khoảng 6-10 người. Sở dĩ đi đông như vậy khi vào rừng là phòng khi xảy ra chuyện bất trắc có thể hỗ trợ nhau. Mỗi chuyến lượm ươi người dân đi từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Do đó, mọi người phải chuẩn bị bữa ăn trưa mang theo, đặc biệt không thể thiếu nước uống. Có trường hợp còn mang theo gạo, mắm, muối, thức ăn rồi vào rừng hái thêm lá nhíp, đọt mây, chặt ống lồ ô thay xoong nồi để nấu ăn. Mặc dù người dân đã phát quang bụi rậm, quét dọn thực bì dưới tán cây lớn để lấy chỗ đốt lửa nấu ăn nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cơn mưa lớn nên người dân vào rừng hái ươi cũng ít hơn. Những ngày đầu tháng 4, riêng vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên có khoảng vài chục nhóm người vào rừng hái ươi thì nay chỉ một vài nhóm. Bởi trái ươi bay khi gặp nước mưa sẽ nở bung nên không còn giá trị. Mặt khác, khi có mưa, mặt đất trơn trượt nên việc di chuyển rất khó khăn, đặc biệt là lúc về gùi trên vai nặng 30-40kg ươi.
Theo Báo Bình Phước