Trên cơ sở rút kinh nghiệm thời gian vừa qua, Hà Nội tới đây phải tiếp tục thực hiện thật nghiêm các biện pháp mà Chỉ thị 17 của TP đã quy định ở mọi chỗ, mọi nơi, mọi lúc.
Sau 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP, bước đầu Hà Nội đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP và các địa phương trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Công điện số 18 về việc tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 23/8 trên phạm vi toàn TP để phòng, chống dịch Covid-19.
Người dân đi tiêm vắc xin tại quận Đống Đa. |
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, nếu dừng giãn cách sau 15 ngày thì những kết quả đạt được vừa qua sẽ khó đảm bảo được bởi việc giãn cách là cần thiết để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch.
Trong 15 ngày giãn cách tới, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, TP tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nhưng quyết liệt, thực chất hơn, tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn có thể thực hiện các giải pháp cao hơn mức Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam đánh giá, tình hình dịch ở Hà Nội có những dấu hiệu khả quan khi phần lớn các ổ dịch không bùng lên mạnh. Dẫn chứng như tại quận Hai Bà Trưng, khi xét nghiệm gần 30.000 người cũng chỉ phát hiện ra 4 mẫu dương tính.
Trong những ngày tới, Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát diện rộng tại Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa để đánh giá chính xác hơn.
Tuy nhiên, theo ông, vẫn còn những ổ dịch rải rác trong các quận huyện không phát hiện qua nguồn lây mà thông qua giám sát trường hợp ho sốt, trong khi những trường hợp ho sốt chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Ngoài ra, dịch cũng đã lây vào 1 số nơi như bệnh viện, siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm. Đây là điều phức tạp.
Ông Phu cho hay, nếu không tiếp tục khống chế thì dịch có thể tiếp tục bùng phát lên vì chủng Delta rất nguy hiểm, lây lan nhanh.
Trong thời gian giãn cách xã hội những ngày qua, PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá, Hà Nội đã làm rất nghiêm, quyết liệt, truy vết nhanh, khống chế được ổ dịch khi phát hiện được ca đầu tiên F0, thực hiện phong tỏa hiệu quả. Hà Nội cũng đã làm tốt biện pháp bảo vệ “vùng xanh”, tạo ra tổ tự quản bảo vệ xóm nhỏ, ngõ nhỏ.
Ông cũng khẳng định, việc Hà Nội quyết định tiếp tục giãn cách thêm 15 ngày nữa là hoàn toàn đúng đắn để bảo vệ thành quả đã đạt được.
PGS.TS Trần Đắc Phu đề xuất, trên cơ sở rút kinh nghiệm thời gian vừa qua, Hà Nội tới đây phải tiếp tục thực hiện thật nghiêm các biện pháp mà Chỉ thị 17 của TP đã quy định ở mọi chỗ, mọi nơi, mọi lúc.
Cho rằng hiện nay số lượng người dân ra đường vẫn còn nhiều, ông mong muốn mọi người hãy gác lại những gì chưa cần thiết và nên ở nhà để cùng chung tay phòng chống dịch.
Ngoài ra, Hà Nội cũng cần xây dựng phương án khi hết giãn cách thì vẫn tạo được nếp sống, mô hình sống chung với dịch như chợ đầu mối, mô hình vùng xanh, không để lây lan trong chuỗi cung ứng…
Thiết lập vùng “xanh, da cam, đỏ”
Các nhiệm vụ để tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trong 15 ngày tới cũng được nêu rõ trong Công điện số 18 của Chủ tịch Hà Nội.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP; triển khai đảm bảo thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để đảm bảo hiệu quả, khống chế sự lây lan, kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội.
Biển thông báo “vùng xanh” an toàn được đặt trước các ngõ, ngách phường Mai Động. |
Công tác phòng chống dịch phải thực hiện từ gốc, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cần có sự tự giác, chấp hành, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng xã hội, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là giãn cách cách ly xã hội.
Hà Nội phân rõ nhiệm vụ tại các khu vực được chia theo mức độ từng vùng.
Tại các khu vực không có dịch “vùng xanh”, mỗi người dân ngoài việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết cũng nên phát huy vai trò cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản, thành lập “Chốt bảo vệ vùng xanh” – vùng không có dịch do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên với sự ủng hộ, vào cuộc của người dân, chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra.
Các khu vực có nguy cơ “vùng da cam” gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh,… Chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định phòng chống dịch.
Đối với “vùng đỏ” là khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly, Hà Nội yêu cầu chính quyền cơ sở quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ; chủ động quyết định các biện pháp cao hơn đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trong khu vực và kiểm soát, khống chế trong thời gian ngắn nhất.
Tận dụng những ngày giãn cách xã hội, Hà Nội tiếp tục truy vết thần tốc các ca F0; trả kết quả xét nghiệm nhanh; rà soát tất cả những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở…; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng nhưng có trọng tâm tại các khu vực có nguy cơ cao; siết chặt công tác an toàn trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ mọi tuyến đường trên địa bàn…
Hà Nội cũng yêu cầu phải đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn lâu dài, càng lúc càng khó khăn, các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở của Hà Nội phải quán triệt quan điểm coi người dân là trung tâm. Bởi không có sự ủng hộ của nhân dân thì mọi chủ trương, chính sách, biện pháp đều không thể thành công.
Nguồn: vietnamnet