Sẽ thêm một số bất tiện nhưng có lẽ nên chấp nhận và cần được ủng hộ để TP.HCM sớm trở lại yên bình, dịch bệnh dần lắng xuống.
Ngày 26/7/2021, ngày đầu tiên người dân ở TP.HCM không ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Biện pháp mạnh này được đưa ra sau gần 2 tháng giãn cách theo Chỉ thị 15 rồi 16 nhưng số ca nhiễm vẫn hàng ngàn mỗi ngày và tình hình dịch bệnh không được như kỳ vọng của cả người dân lẫn lãnh đạo TP này.
Hai ngày trước quyết định khó khăn trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giơ những tấm ảnh tự tay ông chụp khi đi thị sát công tác chống dịch ở Q8 và Củ Chi. Trong đấy là hình ảnh người dân vẫn đi lại khá đông và Phó Thủ tướng bảo rằng: “Thành phố cần phải làm nghiêm hơn. Chúng ta chống dịch căn cứ vào hiệu quả là trên hết, không phải chống dịch bằng văn bản”!
Một người lao động quê Phú Yên lên xe rời TP.HCM về quê tránh dịch. |
Mấy ngày qua, vì có việc cần kíp tôi cũng đi lại từ nhà sang một vài bệnh viện (BV) ở Q5 và không khó để nhìn thấy nhiều ngã tư hay góc đường vẫn còn khá đông người đi lại. Có thể họ đi vì công việc, đang có chuyện cần hay muôn vàn lý do nào đó nhưng nếu vẫn giãn cách như vậy, không ít bóng người trên đường phố thì có thể những nỗ lực chống dịch của hàng triệu người sẽ bị sứt mẻ ít nhiều.
Biết rằng ở nhà bức bối, không được giao tiếp sẽ bực bội và rất nhiều chuyện khác sẽ bất tiện. Nhưng đã gần 2 tháng, TP.HCM căng thẳng trong dịch bệnh và hàng loạt biện pháp khá mạnh vẫn chưa thể kéo con số F0 giảm mạnh thì có lẽ chúng ta nên chấp nhận “thà một lần đau” còn hơn sẽ đau nhiều và lâu hơn nữa. Giờ đây chỉ có giãn cách thật sự, thực hiện nghiêm túc cùng những biện pháp chống dịch hiệu quả thì ước mơ nhẩn nha bên tách cà phê nhìn phố phường đông người qua lại, về quê, đi du lịch, thăm cha gặp mẹ… mới mau chóng thành hiện thực
Lãnh đạo TP HCM đã tính đến “Kịch bản thứ 3” xấu hơn tình hình hiện thời, điều mà chẳng ai muốn xảy ra và không ai thích phải thực hiện. Nhưng có ngăn ngừa được kịch bản ấy hay không thì cả dân lẫn quan chức đều phải chung tay đồng lòng, thông cảm khó khăn, chia sẻ thiệt thòi để hướng đến những ngày không còn những u ám.
Cháu tôi, một Thượng úy công an quận trung tâm ngày đêm trực chốt bảo rằng: “Nhìn những cô chú đau ốm phải vào viện gấp hay các anh shipper vội chuyển hàng, tụi con luôn để bà con qua nhanh. Nhưng những cô cậu trẻ hết từ quận này sang quận kia đòi đi mua thức ăn chó hay sang nhà bạn mượp laptop thì bảo sao anh em không ngăn”.
Hãy nhìn con số gần 62.000 ca nhiễm tính đến trưa 26/7 ở TP.HCM, 24 BV Dã chiến đã đầy ắp người, hàng trăm ca bệnh nặng đang được cấp tập cứu chữa… để thấy rằng chúng ta vẫn ngồi ở nhà với người thân, vẫn bình yên và khỏe mạnh, vẫn còn rất nhiều thứ để cuộc sống không nhàm chán và hạn chế ra đường để cộng đồng sớm trở lại như cũ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “”Đã coi đây là cuộc chiến để bảo vệ tính mạng con người thì khó khăn, gian khổ tạm thời sẽ là thử thách buộc chúng ta phải vượt qua”. Còn Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong thừa nhận rằng: Một số địa bàn vẫn còn xảy ra giao lưu, tiếp xúc và người đi trên đường vẫn nhiều. Việc này nguy hiểm, là nguyên nhân khiến dịch kéo dài, nếu không dừng lại tình hình thì dịch sẽ tồi tệ hơn, bắt buộc phải áp dụng biện pháp mạnh hơn, cao hơn, ảnh hưởng rất nhiều mặt đến đời sống xã hội.
TP.HCM trước giờ siết chặt Chỉ thị 16, hạn chế ra đường sau 18h. |
Có lẽ những “tâm tư” của hai lãnh đạo cao nhất TP.HCM lúc này và tình hình dịch bệnh hiện nay đã đủ để người dân TP lớn nhất nước cùng chia sẻ và đồng lòng trong những ngày giãn cách nghiêm ngặt sắp tới.
Nhìn vào những hình ảnh bên trong khu hồi sức tích cực của BV Hồi sức Covid-19 TP.HCM, nơi hơn 530 y bác sĩ đang điều trị cho gần 300 bệnh nhân nặng, nguy kịch với rất nhiều những hình ảnh khó cầm nước mắt mới có thể hiểu được vì sao chúng ta cần giãn cách nghiêm ngặt như thế. Không còn những ngày cả TP chỉ tập trung chữa một vài bệnh nhân thập tử nhất sinh như hơn một năm trước.
Giờ là lúc nhiều BV như Chợ Rẫy phải “phân thân” cả y bác sĩ lẫn các nguồn lực khác và hạn chế tối đa số người không còn đường sống. Càng ít người nhiễm, hệ thống y tế càng thở phào nhẹ nhõm và cơ hội mau lành bệnh của hàng ngàn bệnh nhân càng cao. Muốn là điều đó thì giờ đây bên cạnh những 5k hay các biện pháp phòng chống dịch hơn thì giãn cách nghiêm ngặt như không còn ra đường buổi tối phải được thực thi nghiêm túc trong sự đồng thuận của số đông.
Đấy là điều chẳng ai ở TP.HCM mong muốn nhưng chỉ có cách làm, lối đi và những biện pháp như thế thì cuộc sống của chúng ta mới sớm trở lại bình thường. Làm được điều đó, hàng loạt BV dã chiến hay khu cách ly tập trung sẽ không phải dựng thêm, những kêu than đau lòng từ các ca F0 chẳng may trở nặng sẽ bớt dần và cuộc sống như cũ nhanh trở lại không phải trên giấy…
Nguồn: vietnamnet