“Các đồng nghiệp đến từ khắp mọi miền đất nước đã cùng với ngành Y tế thành phố vượt khó, dấn thân hết mình vì sức khỏe của người dân”. 

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đã chia sẻ như vậy trong Lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM, sáng 8/10.

Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, suốt 2 tháng, từ 15/7 đến 15/9, cả thành phố đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm của dịch bệnh.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Lực lượng chi viện đã dấn thân vì sức khỏe người dân
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Lực lượng chi viện đã dấn thân vì sức khỏe người dân

Đến nay, những tín hiệu lạc quan đã xuất hiện, thành phố bắt đầu kiểm soát được đại dịch Delta, số ca mắc mới và tử vong giảm dần, số trường hợp xuất viện đã rút ngắn khoảng cách và cao hơn số ca nhập viện.

Đó là kết quả cộng hưởng từ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố.

Đó còn là sự hỗ trợ quý báu nguồn nhân lực y tế đến từ 132 đơn vị gồm các bệnh viện Bộ ngành, Trung ương, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường Đại học, Cao đẳng trung ương, tỉnh, thành phố và Học Viện Quân y, các chiến sĩ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các lực lượng khác.

Theo bác sĩ Thượng, chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế trên cả nước, ngành Y tế thành phố đã triển khai hiệu quả đồng thời “2 mũi giáp công” đó là:

Xây dựng và triển khai hiệu quả mô hình điều trị 3 tầng, tạo sự liên kết thông suốt với nhau bao gồm: các bệnh viện hồi sức tích cực ở tầng 3, các bệnh viện dã chiến ở tầng 2, các đơn vị thu dung tại tầng 1.

Bộ Y tế đã dồn toàn bộ nhân lực tinh nhuệ nhất để cùng với TP.HCM gấp rút xây dựng các trung tâm hồi sức tích cực để tăng cường công tác điều trị hồi sức cho các trường hợp nặng, nguy kịch, nhằm giảm tỷ lệ tử vong.

Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai thêm mũi giáp công thứ hai, tập trung cao cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, chăm sóc dựa vào cộng đồng; tổ chức xét nghiệm nhanh phát hiện F0 kết hợp với phát túi thuốc điều trị tại nhà, triển khai khám chữa bệnh, cấp cứu tại nhà.

Mô hình chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà cho người F0 đã phát huy hiệu quả rõ nét; nhờ đó đã giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Lực lượng chi viện đã dấn thân vì sức khỏe người dân
Lãnh đạo TP.HCM tặng bằng khen và huy hiệu cho các lực lượng chi viện tại Lễ tuyên dương

“Thay mặt cho toàn ngành Y tế thành phố, xin được gửi những tình cảm tốt đẹp nhất cùng lời tri ân sâu sắc đến tất cả các đồng nghiệp đến từ khắp mọi miền của đất nước, đã cùng với nhân viên ngành Y tế thành phố vượt khó, dấn thân hết mình tất cả vì sức khoẻ của người dân.

Chúng tôi sẽ nhớ mãi những hình ảnh thân thương khi được cùng làm việc chung với các bạn đồng nghiệp trên cả nước vì sức khoẻ của người dân thành phố, và sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM”, ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.

Thành lập Khoa Covid tại các bệnh viện truyền nhiễm

Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung vào các nhiệm vụ tiếp tục kiểm soát dịch, cụ thể:

Tập trung nguồn lực cho công tác tiêm vắc xin, đa dạng hóa nguồn vắc xin, huy động mọi nguồn lực đáp ứng tỷ lệ tiêm theo tiêu chí của Bộ Y tế, hướng đến bao phủ vắc xin toàn dân sớm nhất.

Về xét nghiệm, TP thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động bóc tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3 và 4 và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Lực lượng chi viện đã dấn thân vì sức khỏe người dân
TP.HCM sẽ triển khai thành lập các Khoa Covid tại các bệnh viện truyền nhiễm

Về chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng, TP ban hành quy trình phát hiện và xử lý khi có F0 trong cộng đồng và trong quy khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động.

Có kế hoạch vận hành hiệu quả mô hình Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng trên tất cả địa bàn phường, xã, thị trấn; Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà.

Trong công tác điều trị, tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể; nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh.

TP sẽ nghiên cứu thành lập “Khoa Covid” tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa. Xây dựng hệ thống cảnh báo và xác định ngưỡng năng lực điều trị Covid-19; có lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc Covid-19, vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường.

Củng cố và phục hồi hệ thống y tế, tái cơ cấu lại hệ thống thu dung điều trị, huy động mọi nguồn lực đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Covid-19 TP.HCMGiãn Cách Xã Hội

Các tin liên quan đến bài viết