Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên khẳng định, không có chuyện nông dân trồng nhãn nhúng trái nhãn vào lưu huỳnh để bảo quản, làm đẹp vỏ.
Từ năm 2016 đến nay, ở miền Bắc, cứ đến mùa thu hoạch nhãn là rộ lên thông tin nông dân trồng nhãn ở tỉnh Hưng Yên, tỉnh Sơn La… sử dụng lưu huỳnh (S02) để xông nhãn, chống mốc, làm đẹp vỏ…
Mới đây, một trang tin điện tử cũng tiếp tục đăng thông tin như vậy, sau đó được các trang khác dẫn lại. Tuy nhiên, thông tin này ngay sau đó bị dư luận, báo chí cũng như chính người dân ở vùng trồng nhãn phản ứng gay gắt.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vừa trực tiếp xuống thị sát, nếm thử và đề nghị các địa phương xúc tiến hỗ trợ bà con tiêu thụ với giá tốt.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên, nơi được coi là vựa nhãn ở miền Bắc khẳng định, không có chuyện nông dân trồng nhãn nhúng trái nhãn vào lưu huỳnh để bảo quản, làm đẹp vỏ và ngay sau khi đăng tải thông tin, 1 trang web đã phải liên hệ với ông đính chính, sửa lỗi.
Theo ông Nguyễn Văn Doanh, tỉnh Hưng Yên có tất cả 4.340ha nhãn, sản lượng thu hoạch năm nay đạt khoảng 42.000 tấn. Từ khi nhãn mới ra hoa đến thời điểm hiện tại khi nhãn bắt đầu chín trái, Sở NN-PTNT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, cử cán bộ hướng dẫn cho bà con trồng nhãn tại các xã, huyện trên địa bàn kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch, phòng trừ dịch hại, thu hái, sơ chế, trong đó có quy định “trong vòng 15 ngày trước khi thu hoạch bà con không được phun bất cứ thứ gì lên nhãn”.
Vài năm gần đây, nông dân tại các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động… còn chuyển sang mô hình trồng nhãn VietGap (ứng dụng khoa học kỹ thuật để trồng nhãn chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) nên có giá bán cao, tăng thu nhập.
Hiện ở Hưng Yên có 2 vùng sản xuất nhãn xuất khẩu theo quy trình VietGap với diện tích hơn 30ha, gồm 175 hộ tham gia tại các xã Hàm Tử (Khoái Châu), Hồng Nam (TP Hưng Yên), trong đó có hơn 20ha đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp mã số giám sát vùng trồng để xuất khẩu sang Mỹ.
Nhiều chủ vườn nhãn ở Hưng Yên cũng chia sẻ, tới mùa nhãn chín, trái ngả đầy vườn, tiêu thụ không kịp, giá bán cũng không cao hơn giá thành bao nhiêu nên sức đâu mà mua thêm hóa chất, lưu huỳnh để phun sấy, tẩm ướp.
Về thông tin trái nhãn được xông lưu huỳnh như mạng xã hội đưa, theo ông Doanh, có thể có sự nhẫm lẫn với loại nhãn IDO của Thái Lan xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ có sử dụng lưu huỳnh để xông nấm mốc và cơ quan kiểm dịch của châu Âu, Mỹ vẫn có thể chấp nhận nếu nằm dưới ngưỡng cho phép là 0,2%. Tuy nhiên ở Hưng Yên thì hoàn toàn không có việc này.
Khoảng 1 tuần nay, nhãn ở miền Bắc bắt đầu chín rộ, nông dân lo lắng bước vào mùa vụ thu hoạch và tiêu thụ. Để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, ngày 4-8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Nguyễn Xuân Cường vừa xuống tỉnh Hưng Yên để kiểm tra và thị sát tình hình tiêu thụ nhãn.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, năm nay được mùa nhãn nên sản lượng tăng 30%. Với diện tích khoảng 4.340ha, sản lượng đạt 42.000 tấn thì so với năm ngoái tăng cao hơn 10.000 tấn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đến thăm vườn nhãn của một gia đình nông dân ở Hưng Yên Theo báo cáo, vụ thu hoạch chính sẽ diễn ra trong 15-20 ngày tới. Đến thời điểm này, đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn đến làm việc và đặt mua nhãn của Hưng Yên như Hapro, Big C, Sài Gòn Co.op mart, An Việt, VinEco, Doverco… với tổng sản lượng cam kết tiêu thụ là 32.000 tấn. |