Giám đốc quốc gia phụ trách văn phòng Việt Nam của Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ cho biết nếu Omicron thực sự ít nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó thì đây chính là tin đáng mừng, nhưng không thể coi thường Omicron.
Ông Eric Dziuban
“Biến thể này lây lan cực kỳ nhanh chóng. Và ở các quốc gia khác, biến thể này có thể làm quá tải các bệnh viện vì có nhiều người bị nhiễm bệnh cùng một lúc” – ông ERIC DZIUBAN, lãnh đạo CDC Mỹ tại Việt Nam, nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ.
* Liệu đây có phải là biến thể cần quan tâm cuối cùng của SARS-CoV-2?
– Vẫn còn quá sớm để nói có thể có bao nhiêu biến thể nữa sau Omicron. Chúng ta không thể biết điều đó. Những gì chúng ta biết là làm thế nào để các biến thể mới ít có khả năng xảy ra hơn, bằng cách hạn chế các ca nhiễm mới mang lại cho virus các cơ hội tạo đột biến. Tiêm vắc xin là công cụ tốt nhất để chúng ta làm được điều này.
* Tại thời điểm này, “mở ra rồi lại đóng vào” có phải là một phần của bình thường mới trong bối cảnh có dịch COVID-19 không?
– Không ai có thể nói chính xác bình thường mới sẽ như thế nào. Nhiều cơ quan của chính phủ và các cơ quan khác nhau trong xã hội đang cố gắng tạo ra các hệ thống cho phép chúng ta thực hiện nhiều hoạt động quan trọng nhất có thể, đồng thời bảo vệ hệ thống y tế để phục vụ những người cần được chăm sóc.
Đại dịch hiện vẫn tiếp tục thay đổi khi virus tiến hóa. Vì vậy chúng ta nên dự đoán rằng toàn bộ tiến trình này sẽ không đi theo cùng một hướng. Chúng ta có thể thực hiện một vài bước theo hướng này và sau đó cần quay lại theo hướng khác trong một thời gian cho đến khi có thể thích ứng được với những thay đổi do dịch bệnh COVID-19 đặt ra.
* Liệu sống chung với virus có là tất yếu hay còn quá sớm để khẳng định điều này?
– Tất cả chúng ta đang cố gắng sống chung với virus ngay từ bây giờ, khi chúng ta bước vào năm thứ ba của dịch bệnh và nó ảnh hưởng đến cuộc sống ở mọi nơi trên thế giới. Chúng ta mong dịch sẽ biến mất vĩnh viễn, nhưng nó chưa qua đi và có thể sẽ không biến mất.
Chung sống với dịch sẽ không có nghĩa là giả vờ như không có dịch. Nhưng chúng ta có các công cụ để làm cho dịch ít tác động hơn, đặc biệt là tăng tỉ lệ tiêm chủng cho tất cả mọi người.
Chúng ta cũng biết cách làm chậm lại sự lây lan của virus bằng cách sử dụng khẩu trang khi ở gần người khác, các biện pháp giãn cách, ở nhà khi bị ốm và sử dụng xét nghiệm như một cách thức để ngăn ngừa phơi nhiễm thêm.
Dù rất muốn từ bỏ các chiến lược này khi chúng ta muốn sống chung với virus, nhưng đây là những bước đúng đắn cho phép chúng ta mở cửa và quay trở lại các hoạt động bình thường hàng ngày là điều chúng ta muốn thấy.
* Trong 2 năm qua, COVID-19 đã di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Dịch bệnh hiện đang bùng phát mạnh các nước châu Âu và Bắc Mỹ, các nước châu Á cần chuẩn bị gì?
– Nhiều thời điểm tỉ lệ ca nhiễm mới ở châu Á thấp hơn, đặc biệt là vào năm 2020 khi các quốc gia như Việt Nam đã rất thành công trong việc sử dụng 5K để ngăn chặn virus lây lan.
Ở những thời điểm khác, đã có những làn sóng lớn và tỉ lệ tử vong cao ở các nước châu Á, đặc biệt là sau khi có biến thể Delta. Virus này đã chứng minh rằng nó có thể di chuyển trên khắp toàn cầu một cách nhanh chóng và mọi quốc gia đều cần phải chuẩn bị.
Omicron tăng gấp đôi ca nhiễm trong 2-3 ngày
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho biết có bằng chứng nhất quán cho thấy Omicron có lợi thế lây lan đáng kể so với Delta với thời gian tăng gấp đôi số ca nhiễm là 2-3 ngày.
Trong khi đó, nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy tỉ lệ tử vong hoặc phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt trong làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra lần lượt là 4,5% so với 21,3% và 1% so với 4,3% so các làn sóng dịch trước đây.
Thời gian nhập viện của bệnh nhân là 4 ngày so với 8,8 ngày so với trước đây. Rủi ro nhập viện do biến thể Omicron ở Anh chỉ bằng 40% so với biến thể Delta. Theo các chuyên gia, người chưa tiêm vắc xin vẫn dễ mắc bệnh nặng và có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm COVID-19 dù với biến thể nào.
Nguồn: tuoitre.vn